Xem lại việc hát ‘Tung Hô Tin Mừng’ và ‘Ca Tiến Lễ’

Xem lại việc hát ‘Tung Hô Tin Mừng’ và ‘Ca Tiến Lễ’

Ban Hát Các Bà Mẹ - May 25/05/2019


  1. Nền tảng để nhìn lại

Một trong những yếu tố quan trọng để nhìn lại các thực hành phụng vụ là xem xét sự tiến hóa của phụng vụ. Thật vậy, phụng vụ của Hội Thánh nói chung và thánh nhạc nói riêng là một thực tại sống động (một sự ký thác/kho báu sống động), cho nên không ngừng được cải cách (“semper reformanda”), nghĩa là không bao giờ có lời cuối cùng cho công cuộc này. Trái lại, phụng vụ luôn có sự thay đổi, tiến hóa và phát triển cần thiết qua thời gian cho phù hợp với thời đại, với văn hóa, với sức sống của Hội Thánh, với những nghiên cứu mới nhất của khoa thần học và phụng vụ… hầu hướng dân Chúa tới sự viên mãn chân – thiện – mỹ của Thiên Chúa, vinh danh Chúa Giêsu Kitô và Ba Ngôi Chí Thánh cũng như để huấn dậy tín hữu cách tốt đẹp hơn (x. Mediator Dei, số 47).

Sự phát triển của phụng vụ diễn ra theo quy tắc là luôn luôn tiến về phía trước trong đó Hội Thánh cổ võ những hình thức mới mẻ, nhưng vẫn đảm bảo tính liên tục và căn tính của phụng vụ; Hội Thánh không xóa bỏ truyền thống đích thực xét như là một thực tại được sống một cách năng động trong lòng Hội Thánh dưới tác động của Chúa Thánh Thần mà là loại bỏ theo nhu cầu của mình một số thực hành được nhận thấy là ít xứng hợp; và Hội Thánh trung thành tuyệt đối với những gì thuộc bản chất của thánh lễ và các bí tích, nhưng cũng không quá hoài cổ (x. Mediator Dei, các số 47; 52-53).    

  1. Sự tiến hóa của phụng vụ

Sự tiến hóa này được thể hiện qua một số thay đổi như sau:

  1. Giữ lại hầu hết nhưng bỏ đi một số yếu tố. Ví dụ, đã từng có tới 5000 Ca tiếp liên vào thời Trung cổ, nhưng hầu hết đã bị loại bỏ bởi Công đồng Trentô. Sách lễ Rôma 1570 chỉ giữ lại 4 Ca tiếp liên được sử dụng phổ biến: 2 Ca tiếp liên cho mùa Phục sinh (Victimae Paschali Laudes) và cho lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (Veni, Sanctae Spiritus); 2 Ca tiếp liên cho lễ Corpus Christi (Lauda Sion) và lễ Đức Mẹ Sầu Bi (Stabat Mater). Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2002] số 64 cho biết: “Ca tiếp liên, ngoài lễ Phục sinh và lễ Hiện xuống thì được tùy ý, và được hát trước Alleluia.”…

  2. Có những yếu tố bỏ đi không còn được sử dụng ở dịp này nhưng lại được phép sử dụng ở chỗ khác. Ví dụ, Ca tiếp liên Dies irae  (Ngày thịnh nộ) trước đây được hát vào Chúa nhật I mùa Vọng vì nói đến ngày phán xét, sau thêm vào 6 triệt nữa và dành cho lễ Cầu hồn (An táng). Từ năm 1969, Dies irae không còn nằm trong Sách lễ Rôma và không còn hát trong Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời nữa vì Giáo Hội muốn canh tân các bản văn phụng vụ để diễn tả rõ ý nghĩa vượt qua của sự chết, tuy nhiên có thể sử dụng Dies irae trong Giờ kinh Thần vụ tuần XXXIV của năm.[1]

  3. Có những yếu tố được rút ra khỏi chỗ này nhưng không có nghĩa là mất đi, chúng chỉ  nằm ở một nơi khác mà thôi. Ví dụ: trong Sách lễ Rôma 1962,[2] chúng ta thấy có cả 3 yếu tố được in ra: Ca nhập lễ (Introitum) – Ca dâng lễ (Offertorium) – Ca hiệp lễ (Communionem); nhưng trong Sách lễ Rôma hậu Công đồng Vaticanô II (với 3 ấn bản 1970-1975-2002) thì chỉ giữ lại Ca nhập lễ và Ca hiệp lễ, còn Ca dâng lễ vẫn nằm trong cuốn Các Bài Ca Tiến Cấp Của Phụng Vụ Rôma (Graduale Romanum) và cuốn Các Bài Ca Tiến Cấp Đơn Giản Của Phụng Vụ Rôma (Graduale Romanum simplex).

  4. Sự thay đổi một vài số trong các văn bản liên quan đến luật phụng vụ khiến cho thực hành cần phải thay đổi theo. Ví dụ, khác với “Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma” (= QCSL) [1975] số 132, Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2000 / 2002] số 138 nói chi tiết hơn về phần lời nguyện tín hữu cho phù hợp với số 144 của sách Lễ nghi Giám mục (= LNGM), đặc biệt xác định rằng, không chỉ phó tế xướng ý nguyện mà có thể là “ca viên hay độc viên hay một người khác” nữa; Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2000/2002] số 315 nói chi tiết hơn Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [1975] số 276 khi cho biết về vị trí của nhà tạm (phù hợp với LNGM 49), hơn nữa, Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2000/2002] số 316 còn bổ sung thêm về ngọn đèn gần nhà tạm: “Theo thói quen truyền thống, gần nhà tạm phải có một ngọn đèn riêng cháy sáng thường xuyên, đốt bằng dầu hay sáp, để chỉ và tôn kính sự hiện diện của Chúa Kitô”. Điều này phù hợp với số 940 của Bộ Giáo Luật. Về việc hát Tung hô Tin Mừng cũng vậy, đã có sự khác biệt giữa QCSL [1975] và QCSL [2000/2002] đòi hỏi chúng ta phải thay đổi thực hành.

  1. Thay đổi cách thực hành

Áp dụng những điều trên vào lãnh vực thánh nhạc, chúng ta lưu ý đến vài khiếm khuyết sau đây để có được cách thực hành phù hợp nhất:

  1. Hát “Tung hô Tin Mừng”

Chúng ta hãy nhìn vào bảng sau để so sánh thực hành hát Alleluia theo QCSL [1970]/QCSL [1975] và QCSL [2002] khác nhau thế nào:
 

QCSL [1970]/ QCSL [1975] số 37 QCSL [2002] số 62
 

37. Sau bài đọc thứ hai, là bài Alleluia hay bài hát khác như mùa phụng vụ đòi hỏi.

a/ Alleluia được hát trong các mùa ngoài mùa Chay. Hết mọi người,hoặc ca đoàn, hay ca viên, bắt đầu hát, và nếu cần, thì lặp lại; còn lời tung hô (versus) thì lấy ở Sách Bài Đọc, hay sách Graduale Simplex.

b/ Còn bài hát khác là lời tung hô Tin Mừng, hoặc một thánh vịnh khác cùng gọi là ca liên tục (tractus), như có trong sách bài đọc hay trong sách hát Graduale.

 

62. Sau bài đọc liền trước bài Tin Mừng, hát Alleluia hoặc bài nào khác do chữ đỏ quy định tuỳ mùa phụng vụ. Lời tung hô như vậy tự nó là một nghi thức hoặc một hành vi độc lập, qua đó cộng đoàn tín hữu đón chào Chúa sắp nói với mình trong Tin Mừng và dùng lời hát tuyên xưng niềm tin của mình.

Ca đoàn hoặc ca xướng viên xướng trước Alleluia, mọi người đứng hát, và nếu cần thì lặp lại. Còn câu tung hô thì ca đoàn hoặc ca viên hát.

a/ Alleluia (Alleluia) được hát trong các mùa ngoài Mùa Chay, câu tung hô lấy ở Sách Bài Đọc, hoặc sách Các Bài Ca Tiến Cấp (Graduale).
b/ Mùa Chay, thay vì Alleluia (Alleluia) thì hát câu tung hô trước bài Tin Mừng có trong Sách Bài Đọc. Cũng có thể hát một thánh vịnh khác hoặc Ca tiếp liên mùa Chay, như thấy trong sách Các Bài Ca Tiến Cấp.

 Rõ ràng, ở đây đã có ít là 2 thay đổi: [i]  Xướng trước Alleluia hay bắt đầu hát Alleluia không còn do “hết mọi người” nữa, nhưng chỉ do “ca đoàn hoặc ca xướng viên” đảm nhận; [ii] Câu tung hô cũng vậy, không phải do “hết mọi người” hát chung với nhau mà chỉ do “ca đoàn hoặc ca xướng viên hát”.

Công thức của Tung hô Tin Mừng bao gồm: Alleluia, Alleluia + Câu xướng trước Tin Mừng + Alleluia. Ví dụ:

  • Alleluia, Alleluia! Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con. Alleluia. (Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm A).
  • Alleluia, Alleluia! Ngày mai tội lỗi trần gian sẽ được xoá bỏ, và Ðấng Cứu Thế sẽ ngự trị trên chúng ta. Alleluia. (Lễ Chúa Giáng Sinh).
  • Alleluia, Alleluia! Lễ Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế vậy chúng ta hãy mừng lễ trong Chúa. Alleluia. (Chúa Nhật Lễ Phục Sinh)

[Ngoài mùa Chay], khi đọc hay hát Tung hô Tin Mừng, chúng ta sẽ thể hiện đầy đủ cả 4 đơn vị: Alleluia [1], Alleluia [2]+ Câu xướng trước Tin Mừng [3]+ Alleluia [4].

Một đơn vị Alleluia, một là được hát ngân nga thật dài với nhiều nốt nhạc khác nhau như trong lễ Vọng Phục sinh; hai là, theo ý kiến của Lucien Deiss, tốt hơn nên gồm 2 hay 3 từ Alleluia tuỳ theo sáng tác của nhạc sĩ, tức gấp đôi hay gấp ba chữ Alleluia lên hầu tạo cho nhịp điệu âm nhạc được hay hơn và cho phép nâng cao tầm mức quan trọng của tiếng Alleluia [y như trường hợp của tiếng Amen long trọng (great Amen) sau Vinh tụng ca kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể].[3] Còn theo Joseph Gélineau: “Một Alleluia ngắn ngủn chỉ kéo dài vài giây, rồi được theo sau bởi một câu được đọc lên sẽ làm gián đoạn dòng chảy của bài ca, không đủ tôn cao sự chuẩn bị của chúng ta dành cho Tin Mừng mà chúng ta sẽ công bố và lắng nghe đang khi đứng.”[4]

Tại Việt Nam, cho đến nay, khi các nước trên thế giới đã thay đổi cách hát tung hô Tin Mừng (minh họa bằng nhiều đoạn video), thì hầu hết chúng ta lại vẫn còn thói quen thực hành theo Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [1975], nghĩa là: [i] Toàn thể cộng đoàn đứng lên và cùng nhau hát hay đọc cả 4 đơn vị: Alleluia [1], Alleluia [2] + Câu xướng trước Tin Mừng [3]+ Alleluia [4]; [ii] Đơn vị Alleluia [1]  khác với đơn vị Alleluia [4]  thay vì giống nhau.

Đây là một thực hành thiếu cập nhật và nhầm lẫn nếu căn cứ vào các tài liệu dưới đây vốn biểu lộ sự tiến triển của phụng vụ / thánh nhạc từ sau khi Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [1975] ra đời:

  • [i] “Mục lục các Bài đọc trong Thánh Lễ” (Ordo Lectionum Missae [1981], số 23): “Alleluia và Lời Tung Hô Tin Mừng phải được hát; và trong khi hát, mọi người đứng. Hơn nữa, không phải chỉ một ca viên hát lên hoặc chỉ một ca đoàn hát mà thôi, mà tất cả cộng đoàn cùng hát lên nữa”[5] (năm 1981, không có gì thay đổi so với QCSL [1975]);
  • [ii] “Mục lục Bài hát trong Thánh lễ” (Ordo Cantus Missae [1987], Praenotanda, nos. 7-9): “Việc hát Alleluia theo cách thức như sau: Bất kỳ một ca viên nào hát Alleluia lên, rồi ca đoàn hát lặp lại. Tuy nhiên, để cho tiện thì có thể tất cả mọi người cùng hát lên một lần là được. Lời tung hô Tin Mừng thì được hát toàn bộ bởi bất kỳ một ca viên nào; rồi sau đó, tất cả mọi người hát lặp lại Alleluia”;[6](năm 1987, đã có thay đổi so với QCSL [1975] ở chỗ: Lời tung hô Tin Mừng thì được hát toàn bộ bởi bất kỳ một ca viên nào; rồi sau đó, tất cả mọi người lặp lại Alleluia);
  • [iii] “Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma” [2002]: “Ca đoàn hoặc ca viên xướng trước Alleluia, mọi người đứng hát, và nếu cần thì lặp lại. Còn câu tung hô thì ca đoàn hoặc ca viên hát (số 62) (Bản dịch chính thức của HĐGMVN ngày 18/06/2009);[7] Như vậy, QCSL 2000/2002 kể như đã thay đổi toàn bộ cách hát tung hô Tin Mừng so với QCSL [1975];  
  • [iv] Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc [04/2017] của Uỷ ban Thánh nhạc (trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam): “Ca đoàn hoặc một ca xướng viên có thể xướng trước Alleluia, mọi người đứng hát, và nếu cần thì lặp lại. Còn câu tung hô thì ca đoàn hoặc ca xướng viên hát (số 150).”

Bởi vậy, nhằm tôn trọng và thể hiện đúng ý định của Giáo Hội một cách tốt nhất và đơn giản nhất theo những hướng dẫn vừa rồi, đồng thời tham khảo đề xuất của 2 tác giả sau: [i] Joseph Gélineau (2002): “Trong thời điểm của nghi thức này, Alleluia là một lời tung hô vĩ đại và vui tươi, được lặp lại ngay lập tức toàn bộ hay một phần bởi cộng đoàn phụng vụ […] Một hay nhiều câu tung hô được hát bởi một ca viên hay ca đoàn, sau đó mọi người lập lại Alleluia”;[8] [ii] Georges Beyron trong bài “Les chants de la messe” thuộc cuốn Dans Vos Asssemblées do J. Gélineau làm chủ biên (1989): “Bài ca Alleluia (hoặc lời tung hô Tin Mừng thay nó trong mùa Chay) là một “đáp ca” và được thực hành như sau: Alleluia (được hát lên bởi một ca viên hay bởi ca đoàn) / Mọi người lặp lại Alleluia / Câu tung hô được hát bởi một ca viên hay bởi ca đoàn / Mọi người lặp lại Alleluia”, [9] chúng ta sẽ chọn thực hành theo cách này:

  • Đơn vị I “Alleluia” [1] : do ca đoàn hoặc một ca viên xướng lên.
  • Đơn vị II “Alleluia” [2] : toàn thể cộng đoàn hát lặp lại Alleluia [1].
  • Đơn vị III “Câu xướng trước Tin Mừng” [3] : do ca đoàn hoặc một ca xướng viên hát.
  • Đơn vị IV “Alleluia” [4] : toàn thể cộng đoàn hát như Alleluia [2].

Thực hành này không những đúng ý định của Hội Thánh mà còn thực sự dễ dàng và đơn giản hơn cho mọi thành phần dân Chúa, lại còn có thêm một số lợi điểm sau đây: [i] Có thể không cần phải tập hát Alleluia trước cho cộng đoàn vì mọi người chỉ lần lặp lại đơn vị “Alleluia” thứ I do ca đoàn hoặc một ca viên xướng trước; [ii] Chắc chắn là không cần phải tập hát “Câu xướng trước Tin Mừng” cho dân chúng vì câu này thuộc về nhiệm vụ [hát] của riêng ca đoàn hoặc của một ca viên; [iii] Nhạc sĩ chỉ cần sáng tác đơn vị I “Alleluia” và dệt nhạc cho đơn vị III “Câu xướng trước Tin Mừng” mà không cần làm cho âm nhạc hay việc hát “Alleluia” ở phần trước (đơn vị I) và phần sau của “Câu tung hô Tin Mừng” (đơn vị IV) khác nhau; [iv] Toàn thể cộng đoàn chỉ lặp lại đơn vị I “Alleluia” nên thường không cần phải nhìn vào sách hay màn hình, nhờ đó, họ có thể nhìn về phía đoàn rước Sách Tin Mừng [nếu có] với tâm tình “chào đón Chúa sẽ nói với mình trong Tin Mừng và biểu lộ đức tin bằng bài ca” (QCSL [2002], 62; PV 33); [v] Tránh được tình trạng đoàn rước tung hô Tin Mừng “gãy gánh giữa đường”, nghĩa là chưa tới giảng đài, hay có những trường hợp, thày phó tế / linh mục đồng tế chưa lấy Sách Phúc Âm trên bàn thờ, thì hát tung hô Tin Mừng đã kết thúc, đoàn rước đành bước đi trong thinh lặng.    

  1. Hát Ca tiến lễ

Trước đây, tất cả lời nguyện, lời ca và bài đọc Sách Thánh trong Thánh lễ thường nằm trong một cuốn sách. Nhưng sau này, sách này được tách làm 3 cuốn: [i] Sách lễ Rôma: chứa đựng các lời nguyện (các bài lễ + nghi thức Thánh lễ + nghi thức làm phép và rẩy nước thánh + các mẫu lời nguyện tín hữu); [ii] Sách bài đọc: chứa đựng các bài đọc Kinh Thánh được công bố trong mỗi Thánh lễ (ngoài bài đọc I, bài đọc II và bài Phúc Âm, còn có thánh vịnh đáp ca và tung hô Tin Mừng). Giáo Hội còn tách từ Sách bài đọc ra những bản văn Tin Mừng được công bố theo từng ngày lễ mà làm thành Sách Tin Mừng (dành đặc biệt cho việc rước kiệu); [iii] Sách hát: như các cuốn Graduale Romanum, Graduale Simplex, Liber Usualis. Từ rất lâu rồi, chúng được sử dụng trong các Nghi thức Thánh lễ cử hành tại Rôma và được coi là các sách hát chính thức của Hội thánh Công giáo toàn cầu. Không giống như cuốn Liber Usualis được dùng cho Thánh lễ Tridentinô, cuốn Graduale Romanum đi theo Nghi thức Thánh lễ mới hậu Công đồng Vaticanô II. Vì thế, Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2002] chỉ ra rằng cuốn Graduale Romanum là nguồn hàng đầu để tìm bài hát cho phần [rước] nhập lễ, tiến lễ và hiệp lễ cũng như cho phần thánh vịnh đáp ca sau bài đọc I và trước khi công bố Tin Mừng.

Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2002] số 367 nói: “Khi lựa chọn các bài hát xen giữa các bài đọc cũng như các Ca nhập lễ, Ca tiến lễ và Ca hiệp lễ, thì hãy tuân theo các quy luật đã ấn định tại những nơi đó” mà theo Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2002] số 74 thì quy luật về cách hát Ca tiến lễ cũng giống như cách hát Ca nhập lễ: “Ca nhập lễ được hát luân phiên giữa ca đoàn và cộng đoàn, hoặc cũng theo thể thức ấy, giữa ca xướng viên và cộng đoàn, hoặc tất cả do cộng đoàn hoặc ca đoàn hát. Có thể dùng tiền xướng cùng với thánh vịnh đi kèm có trong sách Các Bài Ca Tiến Cấp Của Phụng Vụ Rôma (Graduale Romanum) hoặc sách Các Bài Ca Tiến Cấp Đơn Giản Của Phụng Vụ Rôma (Graduale Romanum simplex); hoặc dùng một ca khúc nào khác thích hợp với cuộc cử hành, hoặc với tính chất của ngày lễ hoặc mùa phụng vụ mà bản văn đã được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận. Tại Việt Nam, Uỷ ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục sẽ tuyển chọn một số bài thích hợp và đệ trình lên Hội đồng Giám mục để xét duyệt và phổ biến.” (QCSL 48).

Như vậy, Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma cho chúng ta 3 chọn lựa để hát Ca tiến lễ: [i] Đối ca với thánh vịnh của nó (antiphona cum psalmo suo) từ Graduale Romanum; [ii] Đối ca với thánh vịnh của nó từ Graduale Simplex; [iii] Một ca khúc nào khác thích hợp với cuộc cử hành (tác động phụng vụ), hoặc với tính chất của ngày lễ hoặc mùa phụng vụ mà bản văn đã được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận. Điều này có nghĩa là chúng ta phải dành ưu tiên cho những bài hát thánh vịnh mà Hội thánh đã chỉ định từng phần cho mỗi lễ nghi phụng vụ được in trong sách Graduale Romanum / Graduale Simplex hơn là ca khúc thay thế.  

Trong tình hình hiện nay, may mắn là có nhiều các nhạc sĩ đã dệt nhạc cho bản văn Ca nhập lễ và Ca hiệp lễ được ghi trong Sách lễ Rôma và đó cũng chính là lời Ca nhập lễ và Ca hiệp lễ được ghi trong sách Graduale Romanum / Graduale Simplex dù là dưới hình thể ca khúc (minh họa bằng bản nhạc đính kèm).

Tuy nhiên, điều không hay là rất hiếm nhạc sĩ sáng tác bài Ca tiến lễ dựa theo bản văn Ca tiến lễ nằm trong sách Graduale Romanum / Graduale Simplex, đang khi đó chúng ta lại có quá nhiều bài Ca dâng lễ hướng về tác động phụng vụ “dâng tiến bánh rượu”. Hậu quả là: [i] Chúng ta đã vô tình bỏ đi hay lãng quên bản văn được rút từ Kinh Thánh và nguồn Phụng vụ (PV, số 121) vốn nằm trong Sách lễ Rôma / Graduale Romanum / Graduale Simplex mà lẽ ra phải được ưu tiên hát hơn những bài thánh ca bình dân (cantiunculae populares) đề cập đến “dâng tiến và bánh rượu”; [ii] Hầu hết mọi người đều hiểu lầm rằng bài Ca tiến lễ là phải có “dâng tiến và bánh rượu”; [iii] Bài Ca tiến lễ chúng ta thường hát có nội dung xa rời tính chất của ngày lễ hoặc mùa phụng vụ.

Ví dụ, theo sách Graduale Romanum / Graduale Simplex, Ca tiến lễ của lễ Vọng Giáng sinh được trích từ Tv 24, 7: “Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên, cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính, để Đức Vua vinh hiển ngự vào”; Ca tiến lễ của ngày lễ Thăng Thiên được trích từ Tv 47, 6: “Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo, Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và”; trong Thánh lễ Tiệc Ly thứ Năm thánh, Giáo Hội đề nghị chúng ta hát bài Ca tiến lễ này như được in trong Sách lễ Rôma và Graduale Romanum: “Ubi cáritas et amor, Deus ibi est…” (“Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời…”).

Nên biết rằng việc canh tân phụng vụ của Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh vào sự tham dự của dân chúng và muốn đơn giản hóa nghi thức Chuẩn bị Lễ vật, cho nên đã rút các bản văn dùng để hát Ca tiến lễ ra khỏi Sách lễ Rôma mặc dầu vẫn có thể tìm thấy chúng trong Gradulae Romanum – tức bộ sưu tầm các bài ca cho Thánh lễ, hoặc trong một phiên bản đơn giản hơn là cuốn Graduale simplex. Sách lễ hiện nay chỉ còn chứa đựng duy nhất một bản văn để hát Ca tiến lễ vào ngày thứ Năm Tuần Thánh (lễ Tiệc Ly).[10] Đó là bài “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời…” Rất tiếc là tại Việt Nam, rất hiếm có cộng đoàn nào chịu chọn bài này làm bài Ca tiến lễ trong Thánh lễ Tiệc Ly (bằng cách hát bài “Ở Đâu Có Bác Ái” của Lm. Ns. Hoàng Kim); Ca tiến lễ của “Thánh lễ cầu cho tín hữu đã qua đời” trong Graduale Simplex được trích từ Tv 129, 1-2: “Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con! Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa”; lễ Truyền tin và lễ Đức Mẹ Vô nhiễm trong cuốn Graduale Romanum / Graduale Simplex đều có chung bài Ca tiến lễ được trích từ Lc 1,28: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Mẹ, Mẹ là người có phúc nhất trong giới phụ nữ, Alleluia”; Ca tiến lễ của Lễ Mẹ Thiên Chúa là: “Ôi Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ thật diễm phúc và xứng muôn lời ca tụng, vì từ nơi Mẹ đã phát sinh ra mặt trời công chính là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con” …

Với những gì vừa trích dẫn ở trên, chúng ta có thể hiểu lý do tại sao: [i] Một số tài liệu như Music in Catholic Worship [1982] (số 71) và Introduction to the Order of Mass [2003] (số 105) của HĐGM Hoa Kỳ; Pastoral Introduction: Celebrating the Mass [2005] (số 180) của HĐGM Anh quốc và xứ Wales[11] đã mạnh mẽ xác định rằng bài ca trong phần Chuẩn bị Lễ vật không phải luôn luôn cần thiết hay đáng ước mong và khi sử dụng cũng không cần chúng phải đề cập đến bánh – rượu hay việc dâng tiến. Thay vào đó, lời của bài hát Ca tiến lễ có thể diễn tả niềm hân hoan, chúc tụng, cộng đoàn, hay chủ đề của mùa phụng vụ thì đều thích hợp; [ii] Tại Việt Nam, theo thông cáo số 3/94 của Ủy ban Thánh nhạc: “…Tập quán thay Ca dâng lễ bằng những bài hát có ý nghĩa dâng bánh rượu, dâng hồn xác lên Chúa vẫn có thể được duy trì, vì đang khi ca đoàn, cộng đoàn hát như thế, chủ tế vẫn đọc trọn vẹn bản văn theo quy định.”;[12] [iii] Trước câu hỏi là liệu thánh ca về Đức Mẹ được xem là “không thích hợp” trong phần Dâng lễ chăng? Cha Edward McNamara (Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ tại đại học Regina Apostolorum, Rôma) đã trả lời rằng:

Tôi tin rằng chúng ta có thể được hướng dẫn ở đây bởi hình thức ngoại thường của nghi lễ Rôma. Trong nghi lễ này, bài Ca dâng lễ không phải là một bài tùy chọn, nhưng là thích hợp và cụ thể cho từng ngày riêng hoặc mùa. Việc lướt nhìn qua lịch phụng vụ cho thấy rằng bản văn qui định phần dâng lễ trong các ngày lễ Đức Mẹ thường đề cập đến Đức Mẹ. Trong nhiều trường hợp, lời của bài Ca dâng lễ được lấy từ phần đầu của kinh Kính Mừng, hoặc một câu thánh vịnh áp dụng cho Mẹ Maria, và đôi khi là một bài thánh ca riêng, chẳng hạn lễ Đức Maria Nữ Vương (ngày 22/08) hoặc lễ Đức Maria Xác Hồn Lên Trời (ngày 15/08). Vì vậy, tôi nghĩ rằng thật là rõ ràng rằng truyền thống Giáo Hội xác nhận việc sử dụng các bản văn về Đức Mẹ, ít là trong các ngày lễ của Ngài […] Qua các điều trên đây, hình như không có lý do để cấm dùng thánh ca Đức Mẹ cho phần dâng lễ, nếu có một lý do chính đáng cho việc có một bài ca. Các bài thánh ca ấy là chắc chắn đúng cho các lễ Đức Mẹ, và cũng có thể là hợp lý trong các tháng kính Đức Bà, như tháng Năm và tháng Mười.[13]

Từ những gì đã trình bày, xin đưa ra vài đề nghị thực hành cho vấn đề hát Ca tiến lễ như sau:

  1. Ủy ban Thánh nhạc nên phổ biến bản dịch tham khảo tiếng Việt cuốn Graduale Romanum / Graduale Simplex, ít là dịch các lời của các bài Ca tiến lễ trong cuốn sách đó (sẽ phát cho các tham dự viên);   

  2. Các nhạc sĩ nên sáng tác thêm nhiều bài Ca tiến lễ dựa theo bản văn phụng vụ từ Graduale Romanum / Graduale Simplex hoặc dựa trên chính bản văn Tin Mừng của ngày lễ vì bài Ca tiến lễ phải thích hợp với cuộc cử hành, hoặc với tính chất của ngày lễ hoặc mùa phụng vụ;[14]

  3. Có thể sử dụng rộng rãi những ca khúc đã được sáng tác dựa theo thánh vịnh để hát Ca tiến lễ khi chúng tương ứng với thánh vịnh được chỉ định trong cuốn Graduale Romanum / Graduale Simplex và cũng có thể sử dụng cả những bài thánh ca diễn tả niềm hân hoan, chúc tụng, cộng đoàn, hay chủ đề của mùa phụng vụ để hát Ca tiến lễ;[15]

  4. Vào những ngày lễ thường trong tuần hay lễ nhớ, không cần thiết ngày nào cũng phải hát Ca tiến lễ vì Chuẩn bị Lễ vật chỉ mang bản chất thứ yếu (ít quan trọng): đó là sự khai mào cho việc thánh hóa và thánh hiến lễ phẩm sẽ diễn ra trong phần Kinh nguyện Thánh Thể. Thỉnh thoảng, nên để chủ tế và cộng đòan đối đáp theo bản văn của Sách lễ.[16] Nếu hát, có thể sử dụng kho bài Ca tiến lễ đã được thẩm quyền Giáo Hội chuẩn nhận như đã thực hành lâu nay. Còn trong ngày lễ Chúa nhật, lễ trọng hay lễ kính, nên hát Ca tiến lễ với những bài Ca tiến lễ được nói ở số (2) và (3) trên đây. Ví dụ 1, Ca tiến lễ của lễ Vọng Giáng sinh trong Graduale Romanum được trích từ Tv 24, 7: “Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên, cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính, để Đức Vua vinh hiển ngự vào”, thật tuyệt vời nếu như chúng ta chọn bài “Cửa Ơi 1/2” của Lm. Ns. Kim Long để hát cho phần Chuẩn bị Lễ vật của Thánh lễ này; Ví dụ 2, Ca tiến lễ của lễ Đêm Giáng sinh trong Graduale Romanum được trích từ Tv 95, 11: “Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng, hãy reo mừng trước tôn nhan Chúa, vì Người ngự”, tại sao chúng ta lại không chọn bài “Trời Hân Hoan” của Lm. Ns. Kim Long để hát thay thế hơn là hát bất cứ một bài Ca tiến lễ nào khác;

  5. Các ca đoàn và dân chúng phải từ bỏ thói quen chỉ hát bài Ca tiến lễ nào có nội dung đề cập đến “bánh – rượu hay việc dâng tiến”;     

  6. Các linh mục cử hành Thánh lễ đừng giật mình, khó chịu hay cấm đoán khi nghe ca đoàn hát Ca tiến lễ với nội dung không đề cập gì đến  “bánh – rượu hay việc dâng tiến.

 


[1] Michael Witczak, “History of the Latin Text and Rite” trong Edward Foley (ed.), A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 2011), 166.

[2] MISSALE ROMANUM – EX DECRETO SS. CONCILII TRIDENTINI RESTITUTUM SUMMORUM PONTIFICUM CURA RECOGNITUM – EDITIO TYPICA.

[3] Xc. Lucien Deiss, Visions of Liturgy and Music for a New Century, trans. Jane M. A, Burton (Collegeville, Minesota: The Liturgical Press, 1996),141.

[4] Joseph Gélineau, Liturgycal Assemly, Liturgy Song  (Portland, Oregan: Pastoral Press, 2002) là bản dịch tiếng Anh từ 2 cuốn tiếng Pháp: 1/ Libres Propos sur les Assemblées Liturgiques, trans. Paul Inwood (Les Éditions de l’Arelier/Éditions Ouvrièes, 1999) & 2/ Les Chantes de la Messe dans Leur Enracinement Rituel, trans. Bernadette Gasslein (Paris: Les Éditions du Cerf, 2001), 109.

[5] Ordo lectionum Missae, editio typica altera (Città del Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 1981), n. 23: “'Alleluia' et versus ante Evangelium cantari debent, omnibus stantibus, ita tamen ut non solus cantor qui inchoat vel etiam schola sed totus populus unanimiter concinat.”

[6] Ordo cantus Missae, editio typica altera (Città del Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 1987), nos. 7 – 9: “Cantus Alleluia hoc modo ordinatur: Alleluia cum suo neumate canitur totum a cantoribus et repetitur a choro. Pro opportunitate tamen cantari  potest  semel  tantum ab omnibus. Versus a cantoribus profertur usque ad finem; post ipsum vera Alleluia ab omnibus repetitur.”

[7] Cantatur ab omnibus stantibus, schola vel cantore præeunte, et si casus fert, repetitur; versus vero a schola vel a cantore canitur.

[8] Joseph Gélineau, Liturgycal Assemly, Liturgy Song, 109.

[9] Georges Beyron, “Les chants de la messe” trong Dans Vos Asssemblées, ed. J. Gélineau (Desclée, 1989), 434.

[10] Paul Turner, The Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 48.

[11] Chuẩn bị Lễ vật: Mục đích của bất cứ bài hát nào tại thời điểm này là để hỗ trợ cho việc quyên góp tiền thau, rước của lễ, chuẩn bị lễ vật, đặc biệt là khi những việc này có thể sẽ mất nhiều thời gian. Lời bài hát không cần phải nói về bánh và rượu, hoặc dâng lễ vật. Lời bài hát có thể diễn tả niềm hân hoan, chúc tụng, cộng đoàn, hay chủ đề của mùa phụng vụ thì đều thích hợp. Vì việc Chuẩn bị Lễ vật chỉ là phần chuẩn bị, nên việc thinh lặng hay dạo dàn trong lúc này thường sẽ hiệu quả hơn. Cần chú ý rằng âm nhạc trong phần này của Thánh lễ không nên được nhấn mạnh, vì nó có thể làm lu mờ việc cử hành chúc tụng trong Kinh nguyện Thánh Thể sau đó.

[12] http://chuctungvatonvinh.org/bs/index.php?mod=thanhnhac&nhomtin=1325772885.

[13]  Edward McNamara, “Thánh ca Đức Mẹ được hát trong phần Dâng lễ không?” từ Zenit.org (16/06/2009).

[14] Mới đây,trong một cuộc gặp mặt quốc tế các ca đoàn được tổ chức vào tháng 11/2018, ĐGH Phanxicô nói: “Âm nhạc và bài hát của anh chị em là công cụ đích thực của công cuộc Phúc Âm hóa khi anh chị em hết mực làm chứng về sự sâu thẳm của Lời Chúa chạm đến cõi lòng người ta và cho phép việc cử hành bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, khiến ai nấy cảm nhận được vẻ đẹp của thiên đàng.” (“Pope Francis Speaks to Importance of Sacred Music in Liturgy at Conference”, https://adoremus.org/2019/01/12/pope-francis-speaks-to-importance-of-sacred-music-in-liturgy-at-conference/)

[15] Rufino Zaragoza, OFM trong bài “Thánh nhạc trong Thánh lễ tiếng Anh: Những đề xuất về Ca dâng lễ” [từ Âm nhạc & Phụng vụ (Tháng Một, 2019 )] viết: “Nhiều người sử dụng cuốn English Missal Songbook của OCP đặt câu hỏi tại sao có các mục về Nhập Lễ, Hiệp Lễ, Kết Lễ, mục theo các mùa phụng vụ, các lễ trọng và lễ kính, nhưng không có mục để tìm các bài hát “Dâng Lễ” trong sách thánh ca này. Vì có rất nhiều bài thánh ca, đặc biệt riêng từng mùa phụng vụ, có thể được phép dùng trong lúc “Chuẩn bị Lễ vật”, cho nên cuốn English Missal Songbook không muốn giới hạn sự lựa chọn của các ca trưởng khi để mục “Ca Tiến Lễ” vào […], không có bất kì giới hạn hay bắt buộc nào phải hát một bài có lời nói về “bánh và rượu”, hoặc về “dâng lễ”.

[16] Xc. Nghi thức Thánh lễ, số 23 và 35.

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS

Nguồn: TGPSaigon.Net