Giáo dân Paraguay chào đón Đức Thánh Cha tại Đền thánh Đức Mẹ Caacupé
Từ trái tim thiêng liêng của Paraguay, Đền thánh Đức Mẹ Caacupé, nơi mọi người cảm thấy như ở nhà, một mẫu gương cho lòng sùng kính bình dân đem lại sự phong phú cho người dân Mỹ La tinh mà Đức Phanxicô luôn luôn trân trọng, Giáo hoàng mở lời nói về ‘các phụ nữ, những người vợ, người mẹ Paraguay, đã phải đánh đổi và hi sinh rất nhiều để có thể vực dậy một quốc gia thất trận, bị tàn phá và thất thế do bởi chiến tranh.’
Caacupé (hay Ka’agykupe trong tiếng Guarani) nghĩa là ‘phía sau ngọn núi’, bởi đền thánh này nằm trên đỉnh ngọn đồi nhìn ra hồ Ypacaraí, một vùng được bao quanh bởi các núi đồi và thung lũng. Đây là điểm hành hương quan trọng ở Paraguay. Đền thánh này kính tượng Đức Mẹ được tạc vào hồi thế kỷ XVI bởi một người trở lại đạo và được giữ gìn sau một trận lũ lớn. Đã có vô số phép lạ nhờ tượng này. Thánh lễ bắt đầu trễ hơn dự kiến một chút, bởi theo giám mục Catalino Claudio Giménez, giáo hoàng đã dành hồi lâu cầu nguyện và xúc động sâu sắc thấy rõ khi đứng trước tượng Đức Trinh nữ Maria. Có thể đúng thế thật, bởi ngay khi buổi kiệu chuẩn bị bắt đầu, giáo hoàng đã dừng lại lấy sức một lát.
Do đền thánh này chỉ cách biên giới Argentina có 40 cây số, nên tề tựu ở đây ngoài các tín hữu Paraguay, còn có rất nhiều đồng hương của Đức Phanxicô nữa. Nhiều người đến từ Argentina vẫy những lá cờ trắng xanh quê hương mình. Với giáo hoàng Phanxicô, dịp này cũng gần như là về nhà. Buenos Aires là nơi nương thân của nhiều người nhập cư từ Paraguay, và các nẻo đưởng quanh đền thánh thì đang đông đảo các đồng hương của Đức Phanxicô.
Trong bài giảng lễ, Giáo hoàng mở lời:
Được ở đây với các bạn, làm cho tôi cảm thấy như ở nhà, ở dưới chân Mẹ chúng ta, Đức Trinh Nữ hay làm phép lạ của Caacupé. Trong mọi đền thánh, chúng ta, các con cái gặp gỡ Mẹ mình, và điều này nhắc nhở rằng chúng ta là anh chị em với nhau. Các đền thánh là những nơi ăn mừng, gặp gỡ, nơi của tình gia đình. Chúng ta đến để nói lên những điều chúng ta cần. Chúng ta đến để tạ ơn, để xin tha thứ, và để làm lại từ đầu. Biết bao nhiêu phép rửa, bao nhiêu ơn gọi linh mục tu sỹ, các dấn thân và các cuộc hôn phối, đã được nảy sinh dưới chân Mẹ chúng ta! Biết bao nhiêu dòng nước mắt khi phải từ giã! Chúng ta đến đây đem theo cuộc đời của chính mình, bởi ở đây là chúng ta đang ở nhà, và thật tuyệt khi biết có người đang chờ đợi chúng ta.
Đền thánh này là một phần sống còn của người dân Paraguay, của các bạn, có phải thế không?
Đức Trinh nữ Maria khi nghe lời thiên thần chào, thì lòng bối rối và tự hỏi lời này có ý nghĩa gì? Nhưng Mẹ biết rằng thiên thần đến từ Thiên Chúa nên Mẹ đã thưa vâng. Mà chúng ta biết, đây là một lời thưa vâng không dễ gì sống theo được. Một lời thưa vâng mà không đòi đặc ân hay biệt đãi gì. Đó chính là lý do vì sao chúng ta yêu mến Mẹ rất nhiều. Chúng ta thấy nơi Mẹ một người Mẹ thực sự, người giúp chúng ta giữ vững đức tin và đức cậy giữa những tình thế phức tạp của cuộc sống.
Mà cuộc đời Mẹ Maria có đầy khó khăn. Rõ ràng như chuyện hạ sinh Chúa Giêsu vậy. Không có nhà, không có nơi trú ngụ để sinh con. Nhưng chắc chắn mẹ vẫn nhớ lời của thiên thần: ‘Mừng vui lên, Maria, Chúa ở cùng bà.’ Mẹ hẳn đã tự nhủ: ‘Mà bây giờ, Chúa ở đâu?’ Rồi còn cuộc trốn chạy sang Ai Cập. ‘Thánh gia là những di dân, là nạn nhân của sự tham tàn và ghen tỵ của vua Herode. Và lúc đó hẳn Mẹ cũng tự hỏi: ‘Những chuyện mà thiên thần đã hứa giờ thì sao đây?’ Và cuối cùng, là cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Không có một cảm nghiệm nào khó khăn đau đớn hơn cho một bà mẹ khi phải chứng kiến cái chết của con mình. Quá đau đớn lòng. Chúng ta thấy Đức Mẹ ở đó, dưới chân thập giá, như mọi bà mẹ, mạnh mẽ, trung tín, ở cùng Con mình ngay cả trong cái chết, chết trên thập giá. Rồi Mẹ khích lệ và nâng đỡ các tông đồ.
Nhìn vào cuộc đời Mẹ, chúng ta cảm nhận được sự thông hiểu, sự lắng nghe. Chúng ta có thể ngồi xuống cầu nguyện với Mẹ trước vô số những tình thế phải đối mặt mỗi ngày. Chính Tin mừng nói cho chúng ta biết những điều này, nhưng chúng ta cũng biết được điều này ngay trên mảnh đất các bạn đang, nơi Đức Mẹ chung vai với chúng ta trong nhiều tình thế khó khăn.
Đức Mẹ luôn luôn ở nơi các bệnh viện, trường học và mái nhà của chúng ta. Mẹ luôn luôn ngồi nơi bàn ăn của mỗi nhà. Mẹ luôn luôn dự phần trong lịch sử của mảnh đất này, làm nên một quốc gia. Mẹ hiện diện âm thầm, nhưng chúng ta cảm nhận được qua một bức tượng, một tấm ảnh thánh hay một ảnh đồng. Dưới dấu chỉ của tràng chuỗi mân côi, chúng ta biết rằng chúng ta không bao giờ đơn độc. Và Đức Mẹ không theo dự định của riêng mình, Mẹ không đến để nói với chúng ta một điều gì mới lạ. Mẹ đơn thuần là lấy đức tin của mình đồng hành với đức tin của chúng ta.
Mọi người cùng cầu nguyện với giáo hoàng Phanxicô trong thánh lễ tại Đền thánh Caacupé
Và các bạn biết được điều này qua trải nghiệm bản thân. Tất cả các bạn, tất cả người dân Paraguay, đều chia sẻ một ký ức sống động của một dân tộc đã hiện thể những lời của Tin mừng. Và tôi muốn đặc biệt nói với các bạn, các phụ nữ, các người vợ người mẹ của Paraguay, những người đã đánh đổi và hi sinh rất nhiều để có thể vực dậy một quốc gia thất trận, bị tàn phá và mất uy thế vì chiến tranh. Các bạn là những người giữ gìn ký ức, là dòng máu nuôi sống của nững người tái thiết sự sống, đức tin và phẩm giá cho dân tộc mình.
Như Đức Mẹ, các bạn đã sống qua nhiều tình thế khó khăn, mà dưới con mắt trần gian tưởng như sẽ phá hủy hết đức tin của các bạn. Nhưng, như Đức Mẹ, được hứng khởi và nâng đỡ bởi mẫu gương của Mẹ, các bạn đã không ngừng tin tưởng, ngay cả ‘hi vọng dù không còn hi vọng.’ Khi tất cả dường như sụp đổ, cùng với Đức Mẹ các bạn thốt lên rằng: ‘Chúng ta đừng sợ hãi, có Chúa ở cùng chúng ta, Ngài ở cùng với dân tộc chúng ta, gia đình chúng ta, hãy làm những gì Chúa dạy chúng ta.’ Từ xưa đến nay, các bạn tìm thấy sức mạnh để cho mảnh đất này không đánh mất ý nghĩa nguồn cội. Chúa chúc lành cho lòng kiên vững của các bạn, Chúa chúc lành và nâng đỡ đức tin của các bạn, Chúa chúc lành cho các phụ nữ Paraguay, những phụ nữ vinh quang nhất của châu Mỹ.
Hãy trân trọng ký ức, cội nguồn, và nhiều dấu chỉ mà các bạn đã nhận lãnh khi là một dân tộc những kẻ tin được thử thách qua gian khổ và đấu tranh.’
Cuối thánh lễ, giáo hoàng dâng toàn thể Paraguay cho Đức Mẹ Caacupé, và thánh hiến đền thánh này lên bậc vương cung thánh đường.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch
Theo: Phanxico.vn