Thứ Sáu trong tuần thứ Năm Mùa Chay
Gr 20:10-13; Tv 18:2-3,3-4,5-6,7; Ga 10:31-42
Đừng cứng tin
Vào dịp mừng lễ Cung hiến Đền thờ ở Giêrusalem, người Do thái vây quanh Đức Giêsu, cật vấn Ngài có phải là Đấng Cứu Thế không? Đây là câu hỏi để gài bẫy: Nếu Ngài tự xưng mình là Đấng Cứu Thế, họ nghĩ chính quyền Rôma sẽ bắt tội Ngài. Nếu Ngài hối, họ sẽ buộc Ngài vào tội lừa dối dân.
Ðây là lần thứ hai những người Do Thái muốn ném đá Chúa Giêsu vì Người xưng mình là Con Thiên Chúa. Sự xung khắc giữa hai bên, một bên vì sự thật, bên kia vì mê muội, càng ngày càng gia tăng. Chúa Giêsu cương quyết thi hành sứ mạng Chúa Cha trao phó cho Người bất chấp mọi nguy hiểm, kể cả nguy cơ bị giết chết. Người Do Thái cũng nhất quyết loại trừ Chúa Giêsu vì họ cho Người phạm thượng. Cuộc đối kháng sẽ đi đến cao trào vào ngày lễ Lá khi Chúa Giêsu công khai vào thành Giêrusalem với tư cách là Ðấng Mêsia. Về phía các đối thủ của Chúa Giêsu, họ cũng lập một kế hoạch để trừ khử Người.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu không trả lời thẳng vào câu hỏi đó. Thừa dịp này, Ngài tuyên bố một chân lý quan trọng: Ngài là Con Thiên Chúa và đồng bản tính với Thiên Chúa: “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha”.
Trong các cuộc tranh luận với người Do Thái, Chúa Giêsu đã mặc khải sự thật về Ngài, về mối tương quan giữa Ngài với Chúa Cha: “Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha”. Nhưng người Do Thái không thể hay không muốn tin vào Chúa. Họ vẫn khăng khăng coi Ngài chỉ là một con người. Do đó họ lượm đá ném Chúa vì cho Ngài là lộng ngôn… Những người Do Thái này đã quá chìm sâu trong tội lỗi của họ. Họ không cảm thấy cần ơn cứu độ. Người Kitô hữu chúng ta ngày nay cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tinh thần thế tục: chỉ muốn nhìn Chúa Giêsu như một con người, một nhà cách mạng không hơn không kém. Chúng ta có thể bị cám dỗ lượm đá ném Chúa vì những gì liên hệ đến Ngài
Chúng ta thấy người Do thái không tin Ngài là phải, vì bài Tin mừng hôm nay cho thấy lý do tại sao người Do thái không tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa. Họ không tin nhận vì họ đứng ở vị thế chính trị: họ mong đợi một Đấng Cứu Thế giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của ngoại bang; trong khi đó, Đức Giêsu lại ở vị thế hoàn toàn tôn giáo. Ngài đến giải phóng con người khỏi ách thống trị của tội lỗi. Hai người đứng trên hai quan điểm khác nhau mà nói chuyện thì không bao giờ đi đến kết luận chung.
Câu hỏi “Đức Giêsu là ai”, Ngài có phải là Con Thiên Chúa không? Câu trả lời vẫn còn lơ lửng, chưa ngã ngũ! Trong ba năm giảng dạy, với nội dung giảng dạy, và cách thức giảng dạy của Đức Giêsu đã khiến mọi người ngạc nhiên thán phục. Thêm vào đó, những phép lạ Chúa làm lại củng cố thêm cho sự thán phục này. Dầu vậy, thính giả của Ngài vẫn thắc mắc hỏi nhau: Giêsu là ai? Nhiều người cho Ngài là một tiên tri nào đó như Isaia, Êlia, Giêrêmia hay một tiên tri nào khác đã sống lại. Chính các Tông đồ cũng vẫn thắc mắc: Ngài là ai? Câu hỏi này đã được chính Chúa Cha trả lời: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là con rất yêu quí của Chúa Cha. Bằng chứng: hai lần Chúa Cha đã tuyên bố công khai như vậy, một lần ở sông Giođan lúc Ngài chịu phép rửa và một lần nữa ở trên núi Taborê khi Ngài biến hình.
Chính Đức Giêsu cũng đã nhiều lần tuyên bố như vậy. Chẳng hạn dụ ngôn “những người làm vườn nho hung ác” đã giết đứa con duy nhất của ông chủ. Chúa đã dùng hình ảnh đó để ám chỉ chính Ngài đã được Chúa Cha sai đến trần gian và bị người Do thái giết chết nơi đồi Calvariô…
Người Do thái vì cứng lòng, không chịu nhận Đức Giêsu và lời giảng dạy của Ngài. Họ kết tội Ngài phạm thượng, vì đã tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Dân Do thái chỉ nhớ một điều họ không bằng lòng, mà quên đi nhiều điều tốt lành Đức Giêsu đã làm cho họ: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng. Ông là người phàm, mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10,33). Với họ, Đức Giêsu chỉ là con người bình thường, một thanh niên con bác thợ mộc Giuse và bà Maria ở làng quê Nazareth nghèo nàn.
Dù họ chấp nhận hay không, thì Đức Giêsu vẫn là Con Thiên Chúa, như lời Đức Giêsu đã mạc khải sự thật về Ngài, về mối tương quan quan giữa Ngài với Chúa Cha: “Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”. Ngài đến để làm chứng cho sự thật. Nhưng chính bởi sự thật đó, có nhiều người đã chống đối và cũng có nhiều người tin vào Ngài.
Vậy chúng ta bảo Đức Giêsu là ai? Chúng ta phải tin và xác quyết rằng Ngài vừa là Thiên Chúa, vừa là người thật.
Đức Giêsu là Thiên Chúa thật. Trong ba năm sống công khai, Ngài đã không ngừng xác quyết điều đó. Ngài tự xưng mình cao trọng hơn Abraham, lớn hơn Maissen… Tất cả những lời tuyên bố trên đã được Đức Giêsu chứng thực và xác nhận bằng các phép lạ, trong đó sự sống lại của Ngài là bằng chứng cao cả nhất về Thần tính của Ngài.
Đức Giêsu cũng là con người thật. Con người đó cũng có một thân xác như chúng ta. Về phương diện tình cảm, Ngài biết rung động trước vẻ đẹp của cảnh vật thiên nhiên, Ngài nghiêng mình và xoa dịu những vết thương đau của nhân loại, nhất là những kẻ yếu đau và người tội lỗi.
Khi con người không còn coi trọng luân lý, thì tiếng nói lương tâm trở nên dư thừa với họ. Như vậy, chuẩn mực trong cuộc sống được đo bằng tiền, quyền, và lẽ tất yếu, chân lý thuộc về đám đông hay những kẻ mạnh! Đây là sự thật xót xa đã xảy ra thời Đức Giêsu!
Nhìn thấy sự khó tin của người Do Thái đối với Chúa Giêsu, rồi nhìn lại đức tin của mình sao mà dễ dàng quá: ngay từ khi mới sinh ra mình đã được biết Chúa và tin Chúa, ta không nhận ra đức tin là một hồng ân sao ? Hãy cám ơn Chúa đã ban đức tin cho chúng ta, và xin Ngài gìn giữ đức tin ấy khỏi bị lạc mất.
Lm Antôn Tuệ Mẫn