Thứ Tư trước Lễ Hiển Linh
1 Ga 2:293; Tv 98:1,3-4,5-6; Ga 1:29-34
Hy sinh vì tha nhân
Trang Tin Mừng hôm nay, Gioan làm chứng về Chúa Giêsu. Ta cũng có thể tóm tắt lời chứng của Gioan về Chúa Giêsu thành 2 điểm:
Chúa Giêsu là Con Chiên của Thiên Chúa: kiểu nói “Chiên của Thiên Chúa” có thể mang 3 nghĩa quy chiếu về 3 nơi trong Cựu Ước:
Con chiên trong Is 53, 7 ”như con chiên bị lôi đến lò sát sinh”: Chúa Giêsu chính là Người Tôi Tớ mà Is tiên báo bằng hình ảnh con chiên hiền lành chịu chết vì tội muôn dân.
Con chiên trong Khải huyền 5, 6 14, 10 17, 14 đã từng bị sát tế và được nâng lên: Chúa Giêsu đã chịu chết nhưng đã sống lại và chiến thắng tội lỗi.
Con chiên vượt qua trong Ga 19, 14 (Chúa Giêsu bị giết vào đúng lúc người ta giết chiên để ăn tiệc vượt qua): Chúa Giêsu chính là Con chiên vượt qua dùng cái chết của mình để thực hiện cuộc giải phóng nhân loại.
Chúa Giêsu là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn: Kiểu nói “Đấng mà Thiên Chúa đã tuyển chọn” cũng mang âm hưởng Is 42, 1 nói về Người Tôi Tớ.
qua lời chứng của ông Gioan Tẩy Giả, toàn thể danh xưng Kitô học quan trọng của Đức Giêsu được giới thiệu. Thứ nhất, Đức Giêsu là “Con Chiên của Thiên Chúa”. Danh hiệu Kitô học này không được nói đến trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm. Danh hiệu này được giải thích bằng một danh hiệu khác: “Đấng cất đi tội lỗi của thế gian”.
Con Chiên của Thiên Chúa có thể được hiểu như là hình ảnh “Người Tôi Tớ đau khổ”, như con chiên hiền lành bị mang đi làm thịt, gánh lấy tội lỗi của trần gian; hay là hình ảnh một con chiên vẹn toàn được sát tế trong dịp Lễ Vượt Qua, và máu Người là máu Giao Ước mang lại ơn tha thứ cho nhân loại; hoặc là hình ảnh một con chiên khải huyền, một con chiên chiến thắng qua cuộc khổ nạn.
Ông Gioan cũng làm chứng rằng mình đã nhận được mặc khải của Đấng sai ông đến làm phép rửa trong nước, rằng Đức Giêsu chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Linh. Dấu hiệu để nhận ra Đấng làm phép rửa trong Thánh Linh là: “Thánh Linh đi xuống và ở lại trên người ấy”.
Dấu hiệu này gián tiếp nhắc đến sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa và được Thánh Linh xức dầu. Tác giả Gioan không tường thuật về chứng nhận của tiếng từ trời, rằng Đức Giêsu là con yêu dấu, nhưng cũng qua lời chứng của Gioan Tẩy Giả, độc giả hiểu rõ Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa”.
Vì Người là “Con Thiên Chúa”, nên dù xuất hiện trên trần gian trong thân phận con người, sau ông Gioan, chịu ông Gioan làm phép rửa, rồi khai mạc sứ vụ sau ông Gioan, Người đã trở nên trước ông vì Người hiện hữu trước ông. Sứ vụ của ông Gioan cũng chỉ để chuẩn bị cho sứ vụ của Người, và nhiệm vụ của ông Gioan là làm chứng cho mọi người biết rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Có thế tóm kết lời chứng của ông Gioan về Đức Giêsu trong đoạn văn này như sau: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Người tiền hữu, đã chịu phép rửa trong nước của ông Gioan, nhưng sẽ là Đấng làm phép rửa trong Thánh Linh, và trở nên Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng cất đi tội lỗi của thế gian qua cái chết của Người.
“Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa bỏ tội trần gian”. “Tội trần gian” theo truyền thống thường hiểu là tội gốc, là tội nguyên tổ và những hậu quả di căn cho con người là tất cả những lỗi lầm, tội lỗi cá nhân.Không chỉ thế, “tội trần gian” được nhắc đến trong Tin Mừng là ý niệm về một quyền lực “bóng tối” (x. Ga 8, 12), chi phối và đè bẹp con người mất tự do. Thánh Gioan và thánh Giacôbê đã nhấn mạnh sự liên hệ giữa tội lỗi và thế gian (x. Ga 16, 8.17, 14; 1 Ga 2, 1; 2, 15-17; 4, 1.4.5; 5, 19; Gc 1, 27; 3, 15; 4, 4), chính thế lực tạo nên sự chống đối lại sự sáng – thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc sống.
Trong đó, “tội trần gian” là sự thống trị của vật chất được hình tượng hóa bằng bò vàng mà dân Do Thái tôn thờ (x. Xh 32, 1-6). Hành vi tôn thờ bò vàng muốn nói lên là họ không cần đến Thiên Chúa, cắt mình ra khỏi sự gắn bó với Thiên Chúa, tự sức mình làm chủ cuộc đời và muốn thế giới theo ý mình. Chúng ta thấy rõ việc tôn thờ “bò vàng” qua cách sống thực dụng duy vật chất của người đời hôm nay. “Tội trần gian” còn là di căn của tội như đau khổ và phải chết do tội nguyên tổ, những hậu quả đi vào đời sống hàng ngày là những lo lắng ưu tư, những khốn khó, bệnh tật mà con người đang bị đè nặng từ khi bóng tối làm chủ thế gian…”Đây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa bỏ tội trần gian”.
Thánh Gioan Chrysostome và thánh Augustinô đã nhấn mạnh: “Chiên là biểu tượng của sự vô tội và của công chính. Người vô tội chết cho người có tội, người công chính chết cho nhân loại vốn mất ân sủng do tội, được trở nên công chính hóa”. Vì thế, Giáo hội tuyên tín từ xa xưa: “Khi Người tự hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, Người hủy diệt tội lỗi xưa để đổi mới muôn loài sa ngã, và hoàn lại sự sống nguyên tuyền cho chúng con” (Kinh Tiền Tụng Phục Sinh IV).
Ðức Kitô – Chiên Thiên Chúa đã dùng giá máu mình để cứu chuộc nhân loại (x. 1Pr 1, 18; Kh 5, 9; Dt 9, 12-15) được loan báo trước bằng hình ảnh máu của con chiên cứu dân Do Thái. Gioan, người môn đệ đã thấy hình ảnh Chiên Thiên Chúa hiến tế đã nhấn mạnh: Ngài đã cứu họ khỏi “bụi trần” (Kh 14, 3); Phêrô xác tín thêm: Ngài đã cứu nhân loại khỏi cái thế giới buông theo gian tà phát sinh do đạo thờ ngẫu tượng (x. 1Pr 1, 14.18; 4, 2tt), nhờ đó từ nay họ có thể tránh tội (x. 1Pr 1, 15tt; Ga 1, 29; 1Ga 3, 5-9), hình thành nên vương quốc tư tế mới, nên dân tộc được thánh hiến cho Thiên Chúa (x. 1Pr 2, 9; Kh 5, 9tt; Xh 19, 6). Chính dân tộc thánh này sẽ dâng lên Thiên Chúa cuộc thờ phượng thiêng liêng bằng một đời sống không có gì chê trách được (x. 1Pr 2, 5; Dt 9, 14). Chính vì lẽ đó, Tông đồ Phaolô khuyên người tín hữu hãy sống “tinh tuyền và chân thật” như bánh không men vì “Ðức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1Cr 5, 7).
Ước gì mỗi chúng ta đặt tất cả niềm tin và cuộc sống nơi Chiên Vượt Qua – Đức Kitô, trong Ngài chúng ta được chữa lành mọi vết thương, được giải phóng mọi tình trạng nô lệ ở đời này.
Lm Anton Tuệ Mẫn