NỮ VƯƠNG RẤT THÁNH MÂN CÔI

NỮ VƯƠNG RẤT THÁNH MÂN CÔI

Tháng Mân Côi - Mar 24/03/2014

Tháng Mười Là Tháng Mân Côi, tháng thích hợp để Suy Gẫm Về Đức Mẹ Mân Côi Và Sức Mạnh Của Kinh Mân Côi. Người Việt Nam nổi tiếng về việc tôn sùng Đức Mẹ Fatima

(Chuỗi Mân Côi Và Sự Tồn Vong Của Thế Giới)

Tháng Mười Là Tháng Mân Côi, tháng thích hợp để Suy Gẫm Về Đức Mẹ Mân Côi Và Sức Mạnh Của Kinh Mân Côi. Người Việt Nam nổi tiếng về việc tôn sùng Đức Mẹ Fatima, nên nhắc lại một sự kiện vô cùng trọng đại cách đây 94 năm cũng rất hợp tình vậy.

Ngày 13 tháng 5 năm 1917, ba em bé tên Lucia dos Santos, 10 tuổi, Phanxicô Martô 9 tuổi và Yaxinta Martô 7 tuổi quê quán tại Fatima, Bồ-đào-nha, đang chăn chiên trên ngọn đồi Cô-va đa I-ri-a thì một luồng ánh sáng mạnh như lằn chớp nổ ra khiến các em tưởng sắp có giông bão nên hối nhau lùa chiên về nhà. Khi chạy tới chỗ mấy cây sồi lưng chừng đồi thì một Bà rất đẹp hiện ra sáng chói trước mặt các em. Bà bảo các em đừng sợ và cho biết Bà từ trời xuống và yêu cầu các em trở lại đồi Cova da Iria thêm 5 lần nữa đúng vào ngày 13 mỗi tháng. Bà muốn thông báo cho các em nhiều điều quan trọng, và đến tháng 10 thì Bà sẽ cho biết Bà là ai và Bà muốn gì. Bà cũng dạy các em phải thường xuyên cầu nguyện kinh Mân Côi.

Đến ngày 13 tháng 10 là ngày hẹn chót thì Bà cho biết danh hiệu của Bà là NỮ VƯƠNG MÂN CÔI. Để chứng minh sự kiện hiện ra này là xác thực chứ không phải do các em bịa đặt thì Bà đã làm phép lạ ”Mặt Trời Quay” trước sự chứng kiến của 70 ngàn người đến từ nhiều nơi trong nước cũng như từ các nước kế cận, kể cả báo chí và các cấp chính quyền vô thần Bồ-đào-nha thời đó. Nay thì ai cũng biết Bà từ trời đó là Đức Mẹ Chúa Trời.

Một sự kiện khác mà ai cũng biết là Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hàng năm vào ngày mồng 7 tháng 10, nhưng xuất xứ của ngày lễ này thì có người biết có người không, vì vậy đây cũng là một dịp tốt để nhắc lại một chút lịch sử khác nữa của Giáo Hội.

Thế giới sử ghi rằng bắt đầu từ thế kỷ XVI, Thổ-nhĩ-kỳ đã trở nên một đế quốc rất hùng mạnh. Họ đã chinh phục hầu hết các nước Ả-rập và nhiều lãnh thổ Âu châu nằm ở phía nam sông Danube, buộc người dân các xứ này phải cải sang đạo Hồi nếu không sẽ bị giết chết, rồi bổ sung họ vào các đạo quân viễn chinh. Đến năm 1566 thì quốc vương Selim của Thổ ra lệnh khởi binh xâm lăng các nước Âu châu ở phía Bắc sông Danube.

Thánh Giáo Hoàng Piô V lúc đó nhìn thấy nguy cơ sụp đổ của nền văn minh Kitô, bèn kêu File:El Greco 050.jpg

gọi thành lập liên minh Âu châu Công giáo để chống lại quân địch trên mặt trận quân sự. Còn trên mặt trận thiêng liêng thì ngài phát động chiến dịch Kinh Mân Côi xin Đức Mẹ che chở, vì thật ra liên minh Công giáo không thấm vào đâu so với lực lượng đông gấp 3 lần hơn của quân Thổ. Ngày 7 tháng 10 năm 1571, chiến thuyền quân Thổ đông như kiến cỏ trong vịnh Lepanto, ngoài khơi bờ biển Hy-lạp, sắp sửa tiêu diệt hạm đội của liên minh Công giáo thì gió bỗng đổi chiều một cách kỳ lạ. Hàng ngũ địch rối loạn nên 80 chiến thuyền Thổ bị liên quân đánh chìm và 130 chiến thuyền khác bị bắt sống.

Don Juan d'Austria

Viên tư lệnh liên quân (Don Juan của nước Áo) phải công nhận rằng sức mạnh kinh Mân Côi đã chiến thắng địch chứ không phải sức mạnh vũ khí. Thánh Giáo Hoàng Piô V bèn lấy ngày này làm ngày kỷ niệm Đức Mẹ Chiến Thắng. Đức Giáo Hoàng Gregory XIII kế vị lấy ngày Chủ Nhật thứ nhất của tháng Mười hàng năm để kính Đức Bà Mân Côi. Từ đó, các vị Giáo Hoàng, các thánh và cả các linh mục linh hướng của các dòng tu cũng đều khuyến khích, nếu không nói là chỉ thị cho Kitô hữu phải đọc kinh Mân Côi hàng ngày.

Bây giờ thì ai cũng quen thuộc với xâu chuỗi 50 hạt quen gọi là chuỗi Mân Côi. Nhưng xâu chuỗi này phát xuất từ đâu? Lịch sử Kinh Mân côi cũng cổ kính như lịch sử Giáo Hội. Cái sườn chính của chuỗi Mân Côi là Kinh Lạy Cha do Chúa Giêsu đích thân truyền dạy. Kitô hữu qua các thời đại đã nghiêm chỉnh vâng lời Chúa và họ đã đọc kinh Lạy Cha không ngớt. Theo một tài liệu có từ thế kỷ thứ tư thì một vị ẩn sĩ tên là Phaolô mỗi ngày đọc 300 kinh Lạy Cha theo truyền thống của giới ẩn tu thời đó, và cứ mỗi lần đọc xong một kinh thì ngài ném một hòn đá sỏi vào mảnh đất trước cửa hang nơi ngài ẩn tu. Dần dần số đá sỏi nhiều đến nỗi trở thành một cái gò lớn. Cách lập đi lập lại một kinh liên tục bắt nguồn từ đó.

Kinh Mân Côi như chúng ta biết ngày nay thì mấy thế kỷ sau mới thành hình. Nhưng xâu chuỗi thì bắt nguồn từ Ái Nhĩ Lan khi các vị tu sĩ dùng giây cột nút để đếm số kinh cho tiện. Đến năm 1040 thì giây thắt nút được thay thế bằng những chuỗi hạt làm bằng gỗ hay bằng đất nung. Tục truyền rằng công nương Godiva của Anh quốc trước khi qua đời đã tặng cho một tu viện xâu chuỗi ngọc thạch qúi giá mà bà đã từng dùng để đếm các kinh nguyện của bà, với điều kiện là phải treo xâu chuỗi này nơi bức tượng của Đức Trinh Nữ trong tu viện. Trong mấy thế kỷ kế tiếp, các việc sùng đạo bình dân tiếp tục phát triển. Đến nay trên thế giới có chừng 60 loại chuỗi kính các mầu nhiệm khác nhau đã được Hội Thánh công nhận, tỉ như chuỗi kính 7 sự Thương Khó Đức Mẹ, kính Thánh Tâm Chúa, kính Thánh Nhan Chúa Giêsu, kính Tổng Lãnh Thiên Thần Mi-ca-e, kính thánh Antôn, hoặc kính Đức Bà dưới các danh hiệu khác nhau. Tất cả những chuỗi này đều gọi là tràng hạt hay chuỗi hoa hồng dâng kính thiên đình. Nhưng qua các thời đại thì chuỗi Mân Côi (Rosary) thịnh hành hơn cả, nó cũng giống như một Vườn Hồng lớn qúi giá so với những bó hoa hồng nhỏ vậy.

 

Chuỗi Mân Côi theo tài liệu của Robert Feeney The Rosary, The Little Summa (Chuỗi Mân Côi, Tiểu Tổng Luận Thần Học) thì thánh Đôminicô là người tiên phong phổ biến Kinh Mân Côi để chống lại phe lạc giáo Albigensian thời trung cổ. Phe này chủ trương hai thế giới đối chọi nhau, một Thiện và một Ác. Thiện là thế giới vô hình, Ác là xác thịt và thế giới hữu hình do đó, họ cho rằng Chúa Giêsu không thể có bản tính loài người mà chỉ có bản tính Thần Linh thôi. Họ (1) chối bỏ Cựu Ước (2) không công nhận Phép Rửa cho hài nhi và (3) chia “Tín đồ” của họ thành hai giai cấp: một “Ưu tuyển” và một “thứ dân” và đề ra những luật lệ kỳ quái như giai cấp thứ dân phải phục tòng và phục vụ giai cấp ưu tuyển; giai cấp ưu tuyển không được phép lập gia đình… Được giới qúy tộc miền Nam nước Pháp ủng hộ nên phe này rất thịnh hành tại đây dù Công Đồng Albi (1176) đã lên án họ.  Thánh Đôminicô cũng ra sức vạch trần những sai lầm của phe này nhưng không mấy kết quả.

Theo “Tiểu Tổng Luận Thần Học” thì thánh Đôminicô than phiền với Đức Mẹ về sức bành trướng của giáo thuyết sai lầm này và về những thất bại của mình thì Đức Mẹ khuyên ngài dùng chuỗi Mân Côi làm vũ khí để chiến thắng. Quả nhiên nhiều người đã trở về lòng Giáo Hội. Thánh Đôminicô xin phép thành lập Hiệp Hội Mân Côi và Đức Giáo Hoàng thời đó không những cho phép ngay mà còn xin gia nhập Hiệp Hội này nữa!

Chuỗi Mân Côi gồm 50 kinh Kính Mừng chia làm 5 chục, bắt đầu bằng Kinh Lạy Cha và tận cùng bằng Kinh Sáng Danh.

Sách Giáo Lý Công Giáo (GLCG) số 2761 gọi Kinh Lạy Cha là KINH CỦA CHÚA và cắt nghĩa rằng Kinh này là tóm tắt của tất cả Bộ Phúc Âm, là lời cầu nguyện hoàn hảo nhất…. Thánh Augustinô nói rằng tất cả các lời nguyện trong Thánh Kinh đều bao gồm trong Kinh Lạy Cha…. Kinh Lạy Cha là lời nguyện tuyệt hảo không những dạy cho chúng ta xin những gì mà còn phải xin theo thứ tự nào. Kinh Lạy Cha là trung tâm điểm của Bộ Thánh Kinh, là tinh hoa của lời cầu nguyện của Giáo Hội. Kinh này là phần chủ yếu của các Giờ Kinh của Kinh Nhật Tụng và của các bí tích khi gia nhập Giáo Hội Kitô: Phép Rửa Tội, Phép Thêm Sức và Phép Thánh Thể.

Kinh Lạy Cha có tất cả bẩy lời cầu xin: Ba lời cầu xin đầu tiên lấy vinh quang của Cha chúng ta ở trên trời làm đối tượng: 1. Sự tôn vinh danh Ngài; 2. Xin cho Nước Ngài trị đến; 3. Xin cho thánh ý Ngài được thực hiện. Bốn lời cầu xin khác thì trình lên Cha những ước muốn của chúng ta: những lời cầu xin này liên quan đến đời sống của chúng ta, 4. xin lương thực (vật chất và thiêng thiêng) để nuôi sống thân xác (và linh hồn) mình; 5. xin Chúa chữa ta khỏi mọi tội lỗi; 6. xin cho cuộc chiến đấu của chúng ta thắng lợi; 7. để sự Thiện chiến thắng sự Ác. (xem GLCG từ số 2759 đến số 2865)

Kinh Kính Mừng gồm hai phần: một lời chào mừng và một lời thỉnh cầu. Hai phần này lại chia thành hai phần khác nữa. Câu đầu tiên là lời Thiên Sứ Gabriel chào mừng Đức trinh nữ Maria (Lc 1:28) “Kính chào Bà (Maria) đầy ơn phước; Thiên Chúa ở cùng Bà”. Hội Thánh thêm danh hiệu Maria là để xác định nhân vật đối tượng của lời chào mừng này. Trong những năm đầu thời trung cổ, người ta có thói quen lập lại lời chào mừng này, vừa đọc vừa bái qùy, đầu chạm mặt đất để tỏ lòng ăn năn sám hối và để người có tội ghi khắc trong lòng mầu nhiệm Nhập Thể. Phần thứ hai của lời chào mừng: “Bà là người có phước trong giới phụ nữ và hoa trái trong lòng Bà (Giêsu) cũng là Đấng đầy ơn phước” là lời thánh nữ Isave chào mừng Cô Em Họ Maria khi đến thăm bà lúc đó đang mang thai Gioan được 6 tháng. (Lc. 1: 42) Hội Thánh thêm danh Chúa Giêsu vào lời ca ngợi vui mừng này cũng như thêm danh hiệu Maria trên đây là một điều hợp tình hợp lý mà thôi.

Nửa đầu của phần thứ hai “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời” có từ thời công đồng Êphêxô nhóm họp năm 431 để bác bỏ lạc thuyết của (Giám mục) Nestorius và phe nhóm của ông không nhìn nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, và cũng nhân đó họ khước từ luôn tước hiệu Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Lạc thuyết này gây rất nhiều xáo trộn trong Giáo Hội hoàn vũ và đặc biệt là tại Êphêxô nơi họp Công Đồng. Sau khi công đồng tuyên bố tước hiệu Mẹ Thiên Chúa xưa nay vẫn thích hợp với Đức Maria thì dân chúng Êphêxô hân hoan tuần hành ngợi khen Đức Mẹ và đọc rằng “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng tôi là kẻ có tội!” Đây là nửa thứ hai trong lời thỉnh cầu. Nhưng kinh Kính Mừng như ta đọc ngày nay thành hình vào khoảng thế kỷ thứ XI.                            

Nhà Đức Mẹ, tại Êphêxô hiện nay. Ù

Trong lịch sử dài và khó khăn của dân Chúa từ lúc đầu cho đến nay không thiếu gì các trường hợp kỳ diệu không lường trước được, cho nên nếu các thánh giáo phụ chọn Êphêxô làm nơi công bố tước hiệu Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa cũng là một tác động quan phòng của Chúa chứ không phải ngẫu nhiên.

Theo các tài liệu đáng tin cậy thì thánh Gioan đưa Đức Mẹ về đây (Êphêxô) sống những ngày cuối cùng của Mẹ (9 năm) khi các Kitô  hữu bị bách hại tại Giêrusalem. Nữ tu Anna Catarina Emmerick (nay là Chân Phước) được thị kiến ngôi nhà này và đã ghi lại chi tiết trong các tập hồi ký của bà. Tuy vậy thời đó không mấy ai tin những chuyện “đàn bà con nít của giới nữ tu”.

Mãi đến cuối thế kỷ XIX, thì một phái đoàn gồm đa số là linh mục kiêm bác học và chuyên viên khảo cổ đã quyết định xem xét vấn đề với ý định loại bỏ huyền thoại này bằng cách chứng minh rằng chuyện ngôi nhà Đức Mẹ của chân phước Emmerick chỉ là hoang tưởng. Ngày 27 tháng 7 năm 1891 các ngài đến thám hiểm một vùng đồi núi tại thị trấn Selcuk, ngoại ô thành phố Êphêxô. Trong khi đi kiếm nước uống thì dân địa phương cho phái đoàn biết có một con suối dưới chân một ngôi nhà cổ gọi là “Nhà Đức Trinh Nữ” ở trên đồi. Phải chăng đây là ngôi nhà mà thánh Gioan đã xây cho Đức Mẹ? Sau hơn 10 năm đào xới khai quật công phu, ngày 24 tháng 8 năm 1898 lúc 3:30 chiều thì phái đoàn phải nhìn nhận là ngôi nhà họ tìm thấy đích thực là nhà của Đức Mẹ, bởi vì chân phước Anna Catarina Emmerich đã mô tả rất chi tiết kể cả vị trí của lò sưởi nữa! Chân phước còn nói Đức Mẹ làm 12 chặng đàng thánh giá bên ngoài nhà để thường xuyên suy gẫm và tưởng nhớ cuộc khổ nạn và ơn cứu độ của Chúa Giêsu.

ĐTC Phaolô VI, 26 – 7 – 1967

Cha Joe Buttigieg, tu sĩ Phanxicô thuộc giáo phận Malta, vừa là sử gia vừa là hướng dẫn viên cho khách hành hương viếng Nhà Đức Mẹ tại Êphêxô xác nhận chuyện này là đúng. Đức cố Giáo Hoàng Phaolô VI và chân phước GH Gioan Phaolô II đều đã đến hành hương và dâng thánh lễ tạ ơn nơi đây. Ngày nay hàng năm khoảng 1 triệu rưởi người khắp thế giới đến Nhà Đức Mẹ hành hương kể cả tín đồ Hồi giáo, Phật giáo và của các đạo khác.

Nay xin trở lại câu chuyện mở đầu về danh hiệu Đức Bà Mân Côi mà Đức Mẹ cho chị Lucia biết năm 1917 tại Fatima. Tại sao Đức Mẹ dặn dò ba em linh kiến phải đọc kinh Mân Côi hàng ngày? Vì đây là một vấn đề sinh tử liên hệ chặt chẽ đến kinh Mân Côi và sự tồn vong của thế giới, nên xin trích một đoạn ngắn trong tập hồi ký của Chị Lucia đã qua đời năm 2005.

 

Chân Phước GH Gioan Phaolô 2

 

 Lucia hỏi: "Bà từ đâu đến đây?"  

"Mẹ từ thiên đàng đến."

"Bà muốn chúng con làm gì?"

"Mẹ muốn các con trở lại đây ngày 13 tháng sau cũng vào giờ này. Sau này các con sẽ biết Mẹ là ai. Các con hãy đọc kinh Mân Côi mỗi ngày và đừng làm mất lòng Chúa nữa. Loài người đã xúc phạm đến Chúa quá nhiều rồi!”                                                                              

Lucia hỏi: "Con có được lên thiên đàng không?"    

"Có, con sẽ được lên thiên đàng."

"Còn Jacinta?"       

"Jacinta cũng sẽ được lên thiên đàng nữa."  

"Còn Phanxicô thì sao?"

" Phanxicô cũng sẽ được lên thiên đàng, nhưng cần phải đọc thật nhiều kinh Mân Côi."

Kể từ đó, không lúc nào Phanxicô rời bỏ chuỗi Mân Côi cho đến ngày em qua đời năm 1919 lúc mới 11 tuổi. Nay thì Jacinta và Phanxicô đều là chân phước cả. Chúng ta có thể xin hai chân phước thiếu nhi này giúp ta biết yêu mến Đức Mẹ và đọc kinh Mân Côi sốt sắng.

Bất chấp lời cảnh cáo nghiêm trọng của Đức Mẹ tại Fatima gắn liền sự tồn vong của thế giới với chuỗi Mân Côi, suốt thế kỷ 20, loài người không những không hoán cải mà còn xúc phạm dến Chúa ngày càng nhiều hơn nên ngoài hai thế chiến với những chết chóc dữ dội tàn bạo còn có những chiến tranh nổi dậy, chiến tranh ‘giải phóng’, chiến tranh giới tính, và đáng sợ hơn hết là kỹ nghệ phá thai – chiến tranh chống lại sự sống con người. Thế kỷ 21 vừa ló dạng thì một hình thái chiến tranh mới đã khai mào khiến không còn một nơi nào được an bình nếu thế giới vẫn cứ coi thường lời cầu nguyện.

Vì sao Đức Mẹ yêu cầu chúng ta đọc kinh Mân Côi? Chị Lucia là người được Đức Mẹ trao phó nhiệm vụ phổ biến việc đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ năm ngày thứ Bẩy đầu tháng liên tiếp và đọc kinh Mân Côi đã cắt nghĩa như sau:

Bất cứ ai có thiện chí cũng đều có thể / và phải đọc kinh Mân Côi hàng ngày. Có thể đọc Kinh Mân Côi trong nhà thờ có trưng bày Mình Thánh Chúa trên bàn thờ hoặc không, có thể đọc chung trong gia đình, hoặc riêng từng người, có thể đọc lúc đi đường hoặc trong những cuộc di chuyển xa. Dù giàu, nghèo, sang, hèn, thông thái hay dốt nát ai ai cũng đều đọc kinh Mân Côi được cả. Đó là thức ăn thiêng liêng hàng ngày vì cứ mỗi chục kinh ta lại suy gẫm về một mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu, nhờ đó mà các nhân đức Tin, Cậy, Mến có môi trường phát triển trong linh hồn ta. Cầu nguyện là bổn phận của Kitô hữu, mà kinh Mân Côi thì rất dễ đọc và thích hợp cho mọi người.

Không ai có thể sống một cuộc đời không tì vết để tự cứu rỗi vì vậy ít nhất ai cũng có thể làm việc đền tội. Đọc kinh Mân Côi là hãm mình hàng ngày để xin “Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội”, và lời cầu xin này sẽ được cộng vào với lời khẩn cầu trong kinh lạy Cha “xin Cha tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” để dâng lên Chúa. Đức Mẹ nói chúng ta phải cầu nguyện liên tục và kiên trì. Thỉnh thoảng mới đọc một lần thì không đủ. Điều cốt yếu là phải cầu nguyện không ngừng, hàng ngày, tin tưởng và cậy trông bởi vì ngày nào chúng ta cũng phạm tội nên ngày nào chúng ta cũng cần được Chúa giúp đỡ và tha thứ. Sở dĩ Đức Mẹ đòi hỏi chúng ta phải đọc kinh Mân Côi hàng ngày vì Mẹ biết rõ sự yếu đuối và tánh “tiền hậu bất nhất” cũng như tất cả nhu cầu của chúng ta nên lúc nào Mẹ cũng muốn giữ cho chúng ta đừng vấp ngã. Đường cầu nguyện là đường đưa ta đến với Chúa, do đó mà Mẹ dạy chúng ta sau mỗi chục kinh thì đọc: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục. Xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn”. Nhấn mạnh đến kinh Mân côi là Đức Mẹ hướng dẫn cho ta thấy rằng các quốc gia, các dân tộc, và tất cả các gia đình, rất cần được Chúa ban Hòa Bình, và trên hết là bình an tâm hồn để mọi người hòa giải với Chúa. Chỉ có ánh sáng, sức mạnh và ơn sủng từ Thiên Chúa mới có thể chiếu rọi vào sâu tận trái tim và linh hồn con người để họ thành khẩn đạt đến sự thông cảm, tôn kính và giúp đỡ lẫn nhau. Phương tiện duy nhất để có hòa bình trường cửu là CẦU NGUYỆN.

 

 Cha thánh Padre Piô là một người cầu nguyện sâu sắc. Ngài nói chúng ta có một vũ khí sắc bén đó là kinh Mân Côi. Ngoại trừ khi dâng Thánh Lễ còn lúc nào ngài cũng cầm xâu chuỗi trong tay. Trước khi qua đời ngài trối lại rằng: “Hãy yêu mến Đức Mẹ và giúp người khác yêu mến Đức Mẹ. Hãy luôn luôn đọc kinh Mân Côi”. Phương châm của ngài là Cầu Nguyện, Hy Vọng và Đừng Lo Lắng. Ngài đọc kinh Mân Côi để cầu nguyện cho các linh hồn. Ngài thường nói rằng Đức Mẹ thắng hết mọi sự và mọi người bằng kinh Mân Côi. Khi để quên xâu chuỗi trong phòng thì ngài nhờ một thầy trẻ tuổi chạy về lấy dùm cho ngài “cây đại liên”. (Xâu Chuỗi Mân Côi).

 

Trong tông thư Marialis Cultus ban hành ngày 2 tháng 2 năm 1974 ĐTC Phaolô VI dạy rằng “lần Chuỗi Mân Côi là một việc sùng kính rất dễ hài hòa với Phụng Vụ. Giáo Hội Công giáo với hàng ngàn năm kinh nghiệm công nhận rằng việc tôn sùng Đức Mẹ là một trợ lực mạnh mẽ đối với những ai cố gắng nên thánh. Lời Đức Mẹ nói với gia nhân trong tiệc cưới Cana rằng : “Hãy làm như lời Ngài nói” (Jn. 2:5) là một dấu chỉ đích thực cho phép Giáo Hội khuyến khích lấy việc tôn sùng Đức Maria làm phương tiện để dẫn dắt con người đến với Chúa Kitô. Càng yêu mến Đức Mẹ thì càng được Đức Mẹ giúp ta yêu mến Chúa nhiều hơn. Đừng bao giờ nghĩ rằng có sự cạnh tranh giữa Mẹ và Con và do đó có thể đi đến những ý nghĩ lạc giáo nguy hại khôn lường. Khi đọc kinh Mân Côi chúng ta sẽ ý thức được rằng từ lúc Ngôi Hai xuống thế làm người cho đến lúc Ngài tắt thở trên Thánh Giá không lúc nào vắng bóng Đức Mẹ, nếu không về mặt vật chất thì cũng trên phương diện tinh thần.

Chân Phước GH Gioan Phaolô II đã nói trong một cuộc tiếp kiến khách thập phương đến viếng ngài rằng trong thời kỳ Giáo Hội sơ khai các thánh tông đồ và các môn đệ thường tụ họp quanh Đức Mẹ để cầu nguyện và thường được Mẹ kể lại cho nghe mầu nhiệm Nhập Thể, thời kỳ thơ ấu, cuộc đời ẩn dật của Chúa, và sứ mạng của người Con Thần Linh của Mẹ, như những kỷ niệm vô giá nhờ đó mà đức tin các ngài thêm vững mạnh để sau này đi rao giảng Chúa Kitô khắp thế gian. Đức Mẹ là hình ảnh của một vị thầy toàn hảo và cũng là mẫu người chiêm niệm tuyệt vời như thánh Luca viết: “Đức Maria hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2: 19).

 

Kinh Mân Côi là ngôi trường mà chúng ta đến ghi danh học hỏi mầu nhiệm Chúa Kitô. Cha Marc Trémeau tu sĩ dòng Đaminh người Pháp, cắt nghĩa câu viết trên đây của thánh Luca như sau: “Mẹ nhìn thấy (những việc Chúa Giêsu làm) và nghe thấy (những lời Chúa Giêsu nói) và Mẹ so sánh tất cả những điều này với cái kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa dựa trên kinh nghiệm bản thân của Mẹ.”

Khi lấy tước hiệu Nữ Vương Mân Côi tại Fatima là Đức Mẹ cho thế giới biết rằng kinh Mân Côi có khả năng đánh thắng ma qủy, đẩy lùi chiến tranh và giữ cho bàn tay Công Lý của Chúa không đánh xuống thế gian tội lỗi. Ngày xưa trong cuộc xuất hành khi dân Do Thái phải giao tranh với quân Amalek trong sa mạc Sinai thì Ông Môisen lên đồi cầu nguyện xin Chúa ban chiến thắng cho phía Do Thái. Bao lâu hai tay ông giơ cao thì quân Do Thái thắng, nhưng khi ông bỏ tay xuống vì mệt thì phe Do Thái thua. (xem XH 17: 11-13) Việc ông Môisen giơ cao hai tay là hình ảnh Giáo Hội cầu nguyện. Khi Giáo Hội cầu nguyện không ngừng thì dân Chúa có hòa bình. Khi Giáo Hội lơ là trong việc cầu nguyện thì dân Chúa khốn đốn. Đó là lý do tại sao Mẹ cứ phải nhắc nhở chúng ta cầu nguyện, cầu nguyện, cầu nguyện: vì con đường cầu nguyện là con đường dẫn ta đến Chúa, và con đường không cầu nguyện dẫn ta đến kẻ thù của Chúa!

 

Chúa phán: “Ta cho các ngươi chọn: hoặc con đường đưa tới sự sống hoặc con đường đưa tới sự chết” (Giêrêmia 21:8) Ngoại trừ linh mục và một số ít giáo dân đọc thánh vịnh hàng ngày còn thì đa số không đọc. Có người nói họ không đọc kinh Mân Côi nhưng họ đọc kinh khác. Tất nhiên họ có thể cầu nguyện thẳng với Chúa nhưng thật ra thì phần đông không đọc kinh gì cả.

Trong thư gửi tín hữu Rôma thánh Phaolô viết: “Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội lỗi vẫn ở trong tôi. Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác khả tử này?  Đó là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Rm 7: 18-25)

Nếu thánh Phaolô được Chúa đích thân kêu gọi và huấn luyện mà còn không làm sự thiện “nhưng cứ làm sự ác” thì người phàm chúng ta tránh sao khỏi những cám dỗ của ma qủy để ngăn cản chúng ta cầu nguyện?! Đọc kinh Mân Côi không phải là chuyện khó làm, và cứ mỗi chục suy gẫm về một mầu nhiệm cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu thì dễ tập trung và ít bị chia trí, do đó dễ gắn bó với Chúa hơn, và đây cũng là con đường cứu độ.

Thì giờ sử dụng vào mục đích nào rồi cũng qua đi nhanh chóng! Nhưng một giờ cầu nguyện và một giờ ngồi trước TV, hoặc một giờ đi mua sắm những thứ không cần thiết thì đàng nào hơn? Cầu nguyện không phải là một tâm lý cuồng tín của những kẻ dốt nát như thế gian vẫn nhạo báng, mà chính là một cử chỉ ngoan hiền của một người con hiếu thảo, yêu qúi cha mẹ hơn bất cứ cái gì! Nói vậy không phải là hoàn toàn gạt bỏ TV, ‘shopping’ cho nhu cầu đời sống thường nhật. Nếu Chúa sanh ra hoa trái thơm ngon đủ loại cho ta sử dụng tùy thích thì có xem TV cũng không sao, nhưng TV ngày nay là dụng cụ rất tinh xảo ma qủy lợi dụng để kéo ta ra xa Chúa bằng những chương trình bạo động và sắc tính thiếu lành mạnh nên chúng ta là phụ huynh phải rất thận trọng. Khôn ngoan như con rắn và trong sạch như chim bồ câu không phải không có lý do! Từ thời ĐTC Piô V cho đến nay có cả 40 vị Giáo Hoàng là môn đệ nhiệt thành của kinh Mân Côi. Xin trích lời của Đức cố GH Gioan Phaolô II như sau: “Anh chị em có muốn biết một điều bí mật không? Đơn giản lắm, mà nói cho cùng thì cũng chẳng có gì là bí mật cả. Anh chị em hãy cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều. Hãy đọc kinh Mân Côi mỗi ngày. Không có gì đẹp cho bằng một gia đình quây quần cầu nguyện kinh Mân Côi”.

Đọc kinh Mân Côi như thế nào? [1]

1.  Làm dấu thánh giá rồi đọc:

2.  Kinh Tin Kính

3.  Kinh lạy Cha

4.  ba kinh Kính Mừng 

5.  Kinh Sáng Danh. Sau đó:

6.  Xướng mầu nhiệm thứ nhất và bắt đầu bằng Kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh,

7.  Kinh Fatima etc…

8.  Chấm dứt chuỗi Mân Côi bằng kinh Lạy Nữ Vương,

9.  Kinh Tổng lãnh thiên thần Micae, 

10.      Ba câu lạy

       Đức Mẹ nói phải đọc từ con tim nghĩa là rõ ràng, chậm rãi, vừa đọc vừa suy nghĩ về mầu nhiệm xướng lúc đầu. Đọc nghiêm trang, tốc độ vừa phải thì lâu chừng 20 đến 25 phút một chuỗi từ A đến Z.

Khi hiện ra cho 6 em thiếu niên tại Medjugorje (Mét-giu-gô-ri-ê) năm 1981 thì Đức Mẹ khuyến khích các em đọc ít nhất mỗi ngày 7 kinh Lạy Cha, 7 kinh Kính Mừng và 7 kinh Sáng Danh. Dần dần Đức Mẹ dạy các em đọc một chuỗi Mân Côi mỗi ngày, sau đó Đức Mẹ tăng lên 3 (nay là 4) chuỗi một ngày. Em Jacob nhỏ nhất, rất ham đá bóng, nên thường ở ngoài sân banh với chúng bạn sau giờ học tại trường. Khi nhớ lời Đức Mẹ dạy phải đọc kinh thì em chạy vào một góc sân và đọc vội một kinh Kính Mừng rồi ra đá banh tiếp. Khi Đức Mẹ hiện ra với em, Mẹ nói em đọc quá mau, nhưng Mẹ cũng nhận và đã dùng cho phần rỗi của một người (em được cho biết đó là ai). Lần sau em đọc cẩn thận hơn và Đức Mẹ rất hài lòng.

Khi hiện ra với 4 bé gái tuổi từ 11, 12 tại một làng nhỏ ở Tây-ban-nha tên là GARABANDAL cách đây 50 năm, Đức Mẹ dạy các em đọc thong thả. Trong một phim tài liệu về Garabandal có một đoạn các cô bé này đọc kinh Mân Côi, rất chậm rãi và nghiêm trang theo lời chỉ dẫn của Đức Mẹ. Ngoài ra, Đức Mẹ cũng ban cho thế gian 2 sứ điệp vô cùng quan trọng (1) ngày 18 tháng 10 năm 1961 và (2) ngày 18 tháng 6 năm 1965 – xin xem 2 sứ điệp này ở cuối tài liệu.

Nói về kinh Mân Côi thì nhiều vô kể. Nếu chúng ta nghĩ rằng kinh Mân Côi quá dài thì có lẽ tình yêu của chúng ta đối với Đức Mẹ quá ngắn chăng? Mong rằng không phải như vậy!

PHỤ ĐÍNH

KINH LẠY NỮ VƯƠNG

Lạy Nữ Vương, / Mẹ nhân lành, / làm cho chúng con được sống, / được vui, / được cậy, / thân lạy Mẹ. / Chúng con con cháu Evà / ở chốn khách đầy / kêu đến cùng Bà, / chúng con ở nơi khóc lóc / than thở kêu khấn Bà thương. / Hỡi ơi! / Bà là chủ bầu chúng con, / xin ghé mặt thương xem chúng con. / Đến sau khỏi chốn khách đầy, / xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ. / Ôi khoan thay! / nhân thay! / dịu thay! / Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.

KINH TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MI-CA-E

Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, / xin hãy bênh vực che chở cho chúng con trong lúc chiến trường/, cùng nên như thành lũy vững bền cho chúng con trông cậy / và chống trả các chước sâu độc ma qủy/.  Chúng con sấp mình xuống / xin Đúc Chúa Trời ngăn cấm thần ngụy ấy./  Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae / là tướng quân cai quản cơ binh trên trời,/ kìa satan và thần dữ đang rảo khắp thiên hạ / hòng làm hư loài người chúng con, / xin người lấy phép Đức Chúa Trời mà xua đuổi chúng xuống hỏa ngục đời đời.  / Amen.

Sứ điệp ngày 18 tháng 10, 1961

"Chúng ta phải hy sinh hãm mình nhiều và làm nhiều việc đền tội, và phải thường xuyên viếng Mình Thánh Chúa. Nhưng trước hết, chúng ta phải sống một đời sống tôt lành. Nếu không, thì trừng phạt sẽ đổ lên đầu chúng ta. Chén (thịnh nộ) đã được đổ đầy rồi, nếu không thay đổi, thì chúng ta sẽ phải gánh chịu một sự trừng phạt rất lớn."

Sứ điệp ngày 18 tháng 6, 1965

"Vì sứ điệp Mẹ ban cho các con hồi tháng 10 (1961) không được thi hành và không được công bố cho thế giới, thì lần cảnh báo này của Mẹ cho các con là lần chót. Trước kia chén (thịnh nộ) đã được đổ đầy, bây giớ thì chén đang trào ra. Nhiều Hồng Y, nhiều Giám Mục, và nhiều Linh Mục đang trên đà đi đến hư mất, và kéo luôn nhiều linh hồn theo với họ. Mầu Nhiệm Mình Thánh Chúa ngày càng bị coi thường. Các con phải ra sức đẩy lui cơn thịnh nộ của Chúa bằng chính những cố gắng của các con. Nếu các con thành tâm xin Chúa tha tội thì Chúa sẽ tha tội cho các con. Ta đây là Mẹ các con, qua lời chuyển cầu của Tổng Lãnh Thiên Thần Mi-ca-e, yêu cầu các con hãy hoán cải đời sống. Đây là lần cảnh báo cuối cùng Mẹ ban cho các con. Mẹ thương các con nhiều lắm và không muốn thấy các con bị trầm luân. Các con hãy thành tâm nguyện cầu, thì Chúa và Mẹ sẽ đáp lời thỉnh cầu của các con. Các con hãy làm thêm nhiều việc hy sinh hãm mình, và thường xuyên suy gẫm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu."

 

Louis Lê Xuân Mai

San Jose, CA, USA,