Thứ Ba Tuần XXXIV Thường Niên
(Đ) Thánh Clê-men-tê I, Giáo hoàng, Tử đạo
(Tr) Thánh Cô-lum-ba-nô, Viện phụ
Đn 2,31-45; Lc 21,5-11.
GÓP PHẦN XÂY DỰNG GIÁO HỘI
“Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó
sẽ có ngày bị tàn phá hết”. (Lc 21,11)
Người ta biết được về thánh Clêmentê, vị giáo hoàng trị vì trong 10 năm chỉ nhờ bức "thư gởi giáo hữu Côrintô" thôi. Vào thế kỷ thứ IV có lưu hành những chứng thư đầy huyền thoại. Theo đó, cha Ngài là Phaustin thuộc dòng dõi Giacop. Sinh tại Roma, được nuôi dưỡng trong Do thái giáo.
Thánh Clêmentê đã nghe theo những diễn từ của các thánh tông đồ và trở thành môn đệ các Ngài. Ngài đã theo thánh Phaolô trong các hành trình đi truyền giáo và đã trở thành đấng kế vị thứ ba của thánh Phêrô. Vua Trajanô đang bách hại các Kitô hữu biết được rằng: vị giáo hoàng đã đem được nhiều người trở lại đạo. Ông kết án Ngài phải làm việc khổ sai tại các hầm mỏ bên kia Bắc Hải, trong các miền hoang vắng. Hai ngàn Kitô hữu đẽo đá tại đây chịu cảnh khát nước thảm khốc.
Tương truyền rằng thánh Clêmentê cầu nguyện rồi lên một ngọn đồi và thấy một con chiên ghi dấu chân đúng vào chỗ có dòng nước tươi mát vọt lên làm giảm khát cho người mang án. Các bức tranh cẩn đâu tiền còn diễn lại biểu tượng một con chiên đứng trên ngọn núi xanh. Nhà vua khi biết được rằng thánh Clêmentê đã dùng lời nói và phép lạ để an ủi các Kitô hữu, liền sai các sứ giả tới cột cổ Ngài vào một cái neo rồi ném xuống biển. Lệnh đường thi hành. Nhưng trong khi các tín hữu cầu nguyện trên bờ, họ thấy dòng nước rút đi một cách lạ lùng và có thể đưa xác vị tử đạo lên đất liền.
Điều chắc chắn kính là bức thư của thánh Clêmentê đã thành một trong các tài liệu quí giá của Kitô giáo thời Chúa xưa. Các Kitô hữu Côrintô chạy đến Đức giáo hoàng để tìm hoà giải những cuộc tranh chấp, đã kính cẩn đón tiếp thư của Ngài. Những thư này được đọc cho các cộng đoàn tín hữu. Thư của thánh Clêmentê chứng thực việc thánh Phêrô đến và chịu chết ở Roma, việc Nêrô bắt các Kitô hữu làm trò mua vui.
Thánh Clêmentê là vị Giáo Hoàng thứ 3 trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo. Ngài sống vào cuối thế kỷ thứ nhất. Người ta không được biết nhiều về thời niên thiếu của ngài. Theo nội dung bức thư gửi cho tín hữu Corintô thì ngài là một nhà hùng biện, yêu mến Thánh Kinh và thấu suốt tư tưởng của Chúa Giêsu. Theo thánh Irênê kể lại thì: Thánh Phêrô truyền ngôi cho Linô, rồi Anacle kế vị Linô và sau Anacle là thánh Clêmentê. Khi lên ngôi Giáo Hoàng, thánh Clêmentê đã làm được những việc phi thường mà một trong những việc đó là giàn xếp cuộc phản loạn của giáo hữu Corintô. Qua bức thư gửi cho họ, ta nhận thấy ngài là một vị Giáo Hoàng hiền từ, bác ái và khiêm tốn.
Dưới thời hoàng đế Trajan, thánh nhân bị bắt và bị kết án tử hình. Lý hình lấy đá cột vào cổ rồi quăng ngài xuống biển, xác thánh nhân đã được đưa về La Mã, dưới triều Ðức Giáo Hoàng Adrianô.
Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, chúng ta được nghe về một ngôi nhà khác – Đền thờ tại Jerusalem. Được “Trang trí với đá quí", đối với người Dothái, nó đáng yêu, cho đến những chi tiết cuối cùng (Lc 21, 5). Vì vậy, khi Chúa Giêsu nói tiên tri, "Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào." (21, 6) đã gây sốc và khiến cho những người nghe khó chịu.
Những người Do Thái mong đợi Vị Cứu Thế – Đấng sẽ đến để bảo vệ đền thờ – đã không dự đoán được sự hủy diệt của nó. Nhưng Chúa Giêsu đã làm tiêu tan mong đợi của họ khi Người nói với họ rằng nó sẽ bị hủy diệt. Tuy nhiên, Người đến để thiết lập một ngôi Đền thờ mới trường tồn. Ngôi đền thờ đó là Giáo Hội, và Người chính là viên đá góc – là nền tảng. Phần còn lại của tòa nhà được làm bằng những viên đá sống động là chúng ta. Chúng ta còn quý hơn cả “những viên đá quí” được sử dụng trong Đền Jerusalem, và mỗi người chúng ta được mời gọi để đóng một vai trò quan trọng trong Giáo Hội.
Nỗi khổ đau của con người khởi từ vườn địa đàng hạnh phúc mà con người phá vỡ, do muốn chiếm đoạt quyền của Thiên Chúa, phản bội tình yêu.
Hạnh phúc bị gãy đổ và hệ quả của tội mà con người phải hứng chịu là sự rạn nứt trong tương quan với tha nhân, là những đau thương, mất mát, rơi vào tình trạng bi thảm của nghèo đói, hận thù, tranh chấp và hủy diệt,
Con người tưởng chừng nắm bắt được cái vĩnh cửu, hóa ra chỉ còn lại cái bấp bênh và giới hạn và kéo theo những bất ổn trong đời sống. Cuộc sống dường như trở nên một thách đố khôn nguôi cho cái thân phận hữu hạn, cho những đau khổ mà con người tự gây ra và hứng chịu.
Hiện tại trong từng giờ, và trong mỗi ngày, xã hội mà con người đang sống có quá nhiều những bất ổn, những thảm họa. Cái đói nghèo, hệ lụy của một sự mất cân bằng kinh tế, lợi nhuận, của sự bóc lột và của sự vô tâm. Thảm trạng giáo dục hình thức tạo nên những thế hệ và con người chỉ muốn sống trong gian dối, chối từ sự thật. Bạo lực nảy sinh từ sự vô giáo dục, nhưng cũng phát sinh từ những con người đánh mất tính thiện trong cõi thâm sâu. Những cuộc chiến vì nhiều lý do, chính trị hay kinh tế, và ngay cả khi cuộc chiến được khoác chiếc áo vì mục đích cao cả…cũng đều để lại những vết thương sâu hoắm nhức nhối trong tâm hồn.
Bởi vì chúng ta là một đền thờ sống động trong Đức Kitô, vì vậy, chúng ta cần sống như thế nào để làm nên một sự khác biệt, không chỉ trong cuộc sống của chúng ta, mà còn trong anh chị em của chúng ta. Chúng ta tăng thêm vẻ đẹp và sức mạnh cho toàn thể Giáo Hội qua những công việc hằng ngày, qua cách cư xử của chúng ta. Chẳng hạn như khi chúng ta biểu lộ sự kiên nhẫn đối với một trong những đứa con của mình, hoặc dành một vài phút để kiểm điểm đời sống trên trang Kinh Thánh hàng ngày – điều không chỉ làm sinh động mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa nhưng còn lôi kéo chúng ta đến gần Chúa Giêsu hơn.
Thiên Chúa luôn luôn có nhiều hơn và nhiều hơn nữa những điều Người muốn thấy thực hiện trong Giáo Hội và Người cũng ban thêm ân sủng nhiều thêm hơn nữa cho chúng ta để thực hiện công việc của Người. Vì vậy, ngày hôm nay, chúng ta phải tự hỏi: "Tôi có thể làm một điều gì dù nhỏ thôi để xây dựng Giáo Hội của Chúa?" Hãy lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần nói: nó có thể là một điều gì đó nhỏ bé, nhưng ngay cả như thế, nó cũng sẽ làm hài lòng Chúa và Người sẽ chúc lành cho dân Người.
Cuối cùng, chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa Giêsu sẽ tiếp tục hướng dẫn và bảo vệ Giáo Hội cũng như tất cả mọi người trong đó. Chúng ta hãy cùng nhau đóng góp ngày một nhiều hơn nữa cho sự phát triển Ngôi Đền thờ ‘Giáo hội’ của Chúa Giê-su.
Bài: Antôn Tuệ Mẫn & Video: TGPSaigon.net