Thứ Năm trong tuần thứ Nhất Mùa Quanh Năm
1 Sm 4:1-11; Tv 44:10-11,14-15,25-26; Mc 1:40-45
Chữa người phong cùi
Chúa Giêsu chạnh lòng thương xót. Nhưng Ngài không chỉ làm vơi đi hoặc xóa đi bất hạnh của người bệnh bằng cách chữa lành cho anh, nhưng còn cất đi nỗi bất hạnh lớn lao của cả nhân loại là tội lỗi và cái chết, bằng cái chết trên Thập giá và sự phục sinh của Ngài.
Phong hủi đối với những người Do thái là chứng bệnh ghê tởm, nhơ uế, bệnh nhân phải tuyệt thông với mọi người. Ai tiếp xúc với họ cũng bị coi là ô uế. Vì thế, người phong hủi thường phải ở những nơi cách biệt: đi đến đâu họ phải la lớn để mọi người biết mà tránh xa. Thân phận người phong hủi thật đáng buồn tủi! Bài Tin mừng hôm nay cho biết, người phong hủi dám đến xin Đức Giêsu chữa lành. Điều đó chứng tỏ bệnh nhân có một niềm xác tín vào Chúa Giêsu. Chúa Giêsu vừa quyền phép lại vừa rất thương yêu. Đến với Ngài, chắc chắn sẽ không phải thất vọng.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã gặp gỡ và chữa lành cho người phong cùi. Không những chữa lành tấm thân bệnh hoạn, Ngài còn tái lập họ trong cộng đoàn nhân loại, khi bảo bệnh nhân đi trình diện với các tư tế, nghĩa là hội nhập họ trở lại cuộc sống. Sự tái hội nhập này luôn đòi hỏi sự cảm thông, lòng quảng đại và cởi mở đón nhận của người khác. Vi trùng Hansen đục khoét và hủy hoại thân xác con người, thì cũng có biết bao thứ vi trùng khác độc hại hơn đang ẩn núp trong tâm hồn con người, tên của chúng là dửng dưng, ích kỷ, thù hận. Chúng đang giết dần giết mòn con người mà con người không hay biết.
Thấy anh có lòng tin, Chúa Giêsu chạnh lòng thương, giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn anh khỏi bệnh”. Chạm đến người phung là phạm luật, khiến người ta khó chịu. Ngài muốn thay đổi những lệch lạc trong luật. Qua việc đặt tay của Chúa, con người được tiếp xúc thần tính của Ngài, nhờ đó được nhận lãnh ân sủng là sức sống của Ngài. Chính vì thế mà bệnh phung biến mất và anh ta được sạch.
Chúa Giêsu đã gửi anh đi trình diện với các tư tế, để các vị này ghi nhận bệnh đã lành và để cho kẻ trước đây bị loại trừ nay được chấp nhận vào lại trong cộng đồng mà chia sẻ cuộc sống và hiệp thông vào nền phụng tự của anh em mình. Chúa Giêsu từ chối mọi thứ quảng cáo ầm ĩ và cấm người đã khỏi bệnh nói về chuyện mình được chữa khỏi.
Tuy nhiên, anh này không tuân theo lệnh của Chúa Giêsu, anh đã rao truyền khắp nơi những gì đã xảy ra cho anh. Do đó, danh tiếng của Chúa Giêsu càng lan rộng hơn nữa và tiếp tục làm gia tăng lòng tin tưởng vào Người: dân chúng từ khắp nơi tuôn đến với Người. Thật ra, các hành vi quyền lực của Chúa Giêsu không có ý nghĩa tối hậu nơi sự kiện là có người bệnh nào đó được khỏi. Ý nghĩa của các hành vi đó là cho thấy rõ ràng quyền lực cao vời của Thiên Chúa, thấy rằng Triều Đại Thiên Chúa đang đến gần, để mọi người có thể tin vào Người.
Điều đáng nói là chúng ta phải nhìn đến thứ bệnh cùi thiêng liêng như là một thực tế của mọi thời đại. Các nhà tu đức học và dẫn đàng thiêng liêng thường coi tội lỗi là một thứ bệnh cùi thiêng liêng. Nếu bệnh cùi thể xác khiến người ta bị cô lập hoá về phương diện thể lý, nghĩa là phải sống tách biệt khỏi gia đình và xã hội, thì bệnh cùi thiêng liêng là tội lỗi cũng khiến người ta bị cô lập hoá về đời sống thiêng liêng.
Tội làm sứt mẻ tình bạn với Thiên Chúa và người khác. Có những tội khiến ta không còn dám đến nhà thờ và lên rước lễ. Tội còn làm sứt mẻ tình bạn, tình cộng đồng. Khi phạm tội, người ta thường muốn tránh người khác vì mắc cỡ, và người khác cũng không muốn gặp gỡ họ vì đã là nạn nhân hay không muốn trở thành nạn nhân.
Chúa Giêsu không chỉ chữa bệnh cho người bị phong cùi, mà còn đưa tay đụng anh, chứng tỏ Ngài không ghê tởm anh; Ngài còn dạy anh đi trình diện với tư tế để được công nhận hết bệnh và nhờ đó được hội nhập vào xã hội. Như thế, người phong cùi này vừa được chữa bệnh, vừa được phục hồi nhân phẩm. Nói cách khác, Chúa Giêsu vừa chữa anh khỏi bệnh tật phần xác vừa chữa anh khỏi bệnh tật tâm hồn.
Với bài tường thuật Chúa Giêsu chữa người phong hủi để kết thúc chương 1, Thánh Maccô đưa hành vi quyền lực của Chúa Giêsu tới tuyệt đỉnh. Bệnh phong được người Do Thái coi như là một chứng bênh đặc biệt trầm trọng. Lời khẩn cầu của người bệnh chứng tỏ một niềm tin tưởng phi thường: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (c. 40). Anh ta gán cho ý muốn của Chúa Giêsu một quyền lực to lớn. Lời khẩn cầu này cũng vừa là một thách đố vừa chứng tỏ lối xử sự trước đây của Chúa Giêsu đã gây ra ấn tượng nào và thức tỉnh những niềm chờ mong nào. Chúa Giêsu hành động như Thiên Chúa: chỉ cần Người muốn một điều là điều ấy được thực hiện. Người phong hủi được chữa lành tức khắc.
Xin Chúa tha thứ cho những mù quáng, dửng dưng và ích kỷ của chúng ta trước bao nhiêu cảnh khốn cùng của đồng loại. Xin Ngài ban cho chúng ta một trái tim biết cảm thông và đôi tay rộng mở để san sẻ
Hôm nay, chúng ta cũng học nơi người phong thái độ mau mắn đi làm chứng để bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, Đấng đang liên tục ban muôn vàn ân sủng cho chúng ta. Muốn vậy, cần phải ý thức chúng ta đã và đang nhận được những ân huệ lớn lao nào.
Lm Anton Tuệ Mẫn