Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh
Is 60:1-6; Ep 3:2-3,5-6; Tv 72:1-2,7-8,10-11,12-13; Mt 2:1-12
ÁNH SÁNG SOI ĐƯỜNG
Hiển linh có nghĩa là Thiên Chúa xuất hiện hữu hình giữa chúng ta. Chúa Giê su là Ánh sáng vĩnh cửu đã đến chiếu soi trần gian tăm tối. Nhưng “bóng tối không tiếp nhận Ánh sáng”. Để nhận biết ánh quang rạng ngời của Thiên Chúa, cần phải dứt khoát với bóng tối tội lỗi và chấp nhận đi theo ánh sao, chấp nhận tìm một điều gì khác hơn là điều chúng ta đang chờ đợi.
Tin mừng hôm nay nói với chúng ta về các nhà đạo sĩ đến từ phương đông. Một truyền thống cho biết một vị da đen, một vị da vàng và một vị da trắng. Nhưng điều quan trọng mà bài tin mừng muốn nói là ba nhà đạo sĩ ấy đều là những người ngọai quốc. Họ không thuộc về dân Thiên Chúa. Họ không biết Thiên Chúa trong Kinh thánh. Nhưng cảm nhận được lời mời gọi từ một dấu chỉ nền văn hóa của họ: “Chúng ta đã thấy một vì sao xuất hiện”.
Sứ điệp thật rõ ràng: Con Thiên Chúa đã đến trong thế gian cho tất cả mọi người, kể cả những người ở ngòai đức tín ki tô hữu. Từ “Hiển linh” có nghĩa là tỏ hiện. Do đó, lễ nầy loan báo cho chúng ta rằng Thiên Chúa tỏ hiện cho tất cả mọi người. Đêm giáng sinh, tin mừng được loan báo cho các mục tử, và ngang qua họ, cho tất cả những người nghèo. Hôm nay, đến lượt những người ở ngòai được hưởng diễm phúc ấy. Không một chướng ngại nào, dù là màu da, văn hóa hoặc cả nguồn gốc tôn giáo có thể làm thất bại chương trình của Thiên Chúa. Người tỏ hiện cho tất cả mọi người và từng người miễn là họ tìm kiếm Người.
Vì thế, các nhà đạo sĩ được nhớ đến hôm nay, nhắc nhở chúng ta rằng niềm tin, trước hết là một cuộc lữ hành mở ra cho chúng ta sự hiện diện của Thiên Chúa thân hành đến với chúng ta. Một cuộc chuyến đi đòi nhiều hi sinh: phải từ bỏ một cuộc sống tiện nghi để lên đường đến một nơi khác. Nhưng chính nhờ thế mà họ đã khám phá niềm vui “được trung thành với ngôi sao nội tâm”.
Và cũng quan trọng đối với mỗi người chúng ta: những dấu chỉ thúc đẩy chúng ta ra khỏi bản thân mình để đi gặp đấng Cứu độ. Nhưng cần phải biết rằng, những dấu chỉ ấy chưa đủ. Các nhà đạo sĩ phải hỏi các nhà lãnh đạo tôn giáo. Nhờ những người biết Thánh kinh, họ đã có thể tìm lại con đường và đến với đấng Messia. Và đó là con đường đức tin: trước tiên nhìn vào cuộc sống, các biến cố, các dấu chỉ mời gọi chúng ta; kế đến phải suy nghĩ dưới ánh sáng Lời Chúa; và sau cùng như các nhà đạo sĩ, chúng ta được mời gọi dấn thân và lên đường theo Đức Ki tô. Đó là ba chặng đường thiết yếu cho mọi đời sống ki tô hữu. Dĩ nhiên, cuộc hành trình ấy không phải là không gặp nguy hiểm. nhưng không một điều gì có thể ngăn cản chương trình của Thiên Chúa.
Cũng như đối với các nhà đạo sĩ, Thiên Chúa đã ban cho mỗi người một vì sao để hướng dẫn họ đến sự tốt và sự thiện, đến Vương quốc tình yêu của Người. Lễ Hiển Linh hôm nay cũng là lễ của những ai đi tìm Thiên Chúa. Họ như đoàn người lữ hành qua sa mạc, trung thành bước theo ánh sao, để cuối cùng được hồng ân gặp thấy điều mà họ tìm kiếm.
Tiếng gọi từ ánh sao cũng đến với chúng ta ngày hôm nay. Như các nhà đạo sĩ, tất cả chúng ta được mời gọi đến thờ lạy hài nhi Giê su. Chúng ta mang đến cho Ngài những gì tốt đẹp nhất của chúng ta, tất cả những gì làm nên cuộc sống của chúng ta. Chúng ta cũng dâng lên Ngài cả những gì không thấy được, như một sự giúp đỡ, hay thăm viếng bệnh nhân, một cố gắng để trở nên dễ thương hơn.
“Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ. Nhưng Con Một là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha. Chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Nhân loại chúng ta không thể nhìn thấy Thiên Chúa bằng con mắt thể xác, nhưng chỉ có thể thấy Ngài bằng con mắt đức tin.
Tuy nhiên sự hiểu biết Chúa bằng đức tin không hoàn toàn sáng tỏ và cần tiếp tục được đào sâu bằng các phương thế Chúa ban như: Các buổi học sống Lời Chúa trong cộng đoàn, các buổi tĩnh huấn và các giò học hỏi giáo lý thánh kinh, các thánh lễ hằng ngày hằng tuần, các công tác bác ái thăm viếng chia sẻ phục vụ những người nghèo khổ bệnh tật bất hạnh là hiện thân của Chúa Giê-su…
Tuy đức tin của chúng ta thật bé nhỏ, giống như ánh sáng yếu ớt của một cây nến nhỏ giữa biển đời bao la giông tố, nhưng Chúa chỉ cần chúng ta làm hết khả năng của mình, rồi phó thác thành quả tương lai cho Thiên Chúa quan phòng định liệu. Chúng ta cần ý thức rằng: Trong mọi việc, đặc biệt những việc có liên quan đến đức tin như: giới thiệu về Chúa cho anh em lương dân, giúp một tội nhân đang lạc xa Chúa quay trở về với Chúa… đều vượt quá khả năng giới hạn của chúng ta như thánh Phao-lô tông đồ đã dạy: “Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3,6). Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta cần thực hành theo lời khuyên này: “Thà thắp lên một ngọn đèn, còn hơn cứ ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối!”
Và khi chúng ta đã gặp Chúa, cũng như các đạo sĩ, chúng ta có thể trở về bằng lối khác. Điều đó có nghĩa là chúng ta không thể để mình bị giam hãm trong quá khứ hay thói quen của chúng ta. Con đường mà Chúa Giê su mở ra cho chúng ta luôn luôn mới. chúng ta hãy để cho Ngài hướng dẫn chúng ta.
Anton Tuệ Mẫn